Lupus ban đỏ là một trong các bệnh nguy hiểm của nhóm bệnh tự miễn. Bệnh thường mắc ở nữ giới, hầu hết là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Do triệu chứng điển hình của bệnh là các phát ban ở ngoài da nên nhiều người lo ngại không biết tiếp xúc với người mắc lupus ban đỏ có bị lây nhiễm không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da và gây tổn thương các cơ quan nội tạng của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh khác nhau ở mỗi người. Đến nay, nguyên nhân gây lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn. Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ. Tuy nhiên, trong cơ thể người mắc lupus ban đỏ cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Ngoài ra, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

- Ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây các tổn thương da lupus ban đỏ hoặc kích hoạt phản ứng bên trong ở những người nhạy cảm.

- Nhiễm trùng: Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus ban đỏ hoặc gây tái phát ở một số người.

- Sử dụng thuốc: Lupus ban đỏ có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh và kháng sinh. Những người bị lupus ban đỏ do thuốc thường cải thiện triệu chứng khi họ ngừng dùng thuốc.

- Giới tính: Lupus ban đỏ phổ biến hơn ở phụ nữ, nhất là trong độ tuổi sinh sản.

- Tuổi tác: Mặc dù lupus ban đỏ ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 – 45.

Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ

Triệu chứng của lupus ban đỏ khác nhau tùy theo từng người, thường gây nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Hầu hết mọi người bị lupus ban đỏ đều bị đau khớp và sưng tại một số thời điểm, thường gặp nhất ở khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay và đầu gối. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

- Đau ngực khi hít thở sâu.

- Mệt mỏi.

- Sốt không rõ nguyên nhân.

- Khó chịu, không thoải mái hoặc cảm giác ốm yếu.

- Rụng tóc.

- Giảm cân.

- Loét miệng.

- Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

- Hạch bạch huyết sưng to.

- Phát ban trên da: Một thống kê cho thấy, triệu chứng phát ban hình bướm gặp ở khoảng một nửa số người bị lupus ban đỏ. Chủ yếu được nhìn thấy trên má và sống mũi. Những nốt phát ban trên da sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Lupus ban đỏ có phải là bệnh lây truyền không?

Lupus ban đỏ gây nên những tổn thương trên da, biểu hiện bằng vùng da đỏ, phát ban,... nên khiến nhiều người tiếp xúc với người bệnh rất ghê sợ và xa lánh. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, chạm hoặc tiếp xúc với người mắc vảy nến cũng sẽ bị lây bệnh. Vậy thực hư của vấn đề này như thế nào? Bệnh lupus ban đỏ có lây không?

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nguyên nhân chính gây bệnh lupus ban đỏ là do rối loạn ở hệ miễn dịch trong cơ thể kết hợp với những yếu tố nguy cơ từ môi trường, không phải do virus, vi khuẩn hay nấm. Do đó, có thể khẳng định rằng, bệnh hoàn toàn không lây nhiễm từ người này sang người khác bằng bất cứ hình thức nào. Bạn không cần phải lo lắng hay sợ hãi khi chạm, tiếp xúc với người mắc lupus ban đỏ.

Tuy rằng lupus ban đỏ không lây từ người sang người, nhưng các tổn thương do bệnh gây ra lại dễ dàng lan rộng toàn cơ thể nếu người mắc cậy, gãi hoặc bị căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Vì vậy, bạn không nên chủ quan trong điều trị lupus ban đỏ.