Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm. Do đó, nhận biết các triệu chứng điển hình của bệnh là hết sức quan trọng, giúp chúng ta có phương pháp điều trị  phù hợp sớm nhất. Vậy triệu chứng điển hình của bệnh lupus ban đỏ là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Lupus ban đỏ là gì?

Lupus ban đỏ là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của lupus ban đỏ nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do hệ miễn dịch bị rối loạn, suy yếu. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn lupus ban đỏ nhưng bệnh có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu. Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Lupus ban đỏ có 2 dạng là: Lupus ban đỏ dạng đĩa và Lupus ban đỏ hệ thống.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ

Hầu hết bệnh nhân lupus ban đỏ là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phổ biến hơn ở người da màu. Chỉ có khoảng 15% trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ trước 18 tuổi.

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ thống miễn dịch có liên quan mật thiết đến bệnh. Bình thường, vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể người mắc lupus ban đỏ cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là “vật lạ” nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Di truyền: Người sống trong gia đình có tiền sử bị lupus ban đỏ thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.

Môi trường: Các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất độc hại, ánh nắng mặt trời cũng có thể gây bệnh lupus ban đỏ.

Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, một số thuốc ảnh hưởng đến nội tiết như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus ban đỏ nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus ban đỏ thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ

Các triệu chứng lupus ban đỏ thường xuất hiện không giống nhau giữa những người mắc, bao gồm:

- Đau cơ và khớp: Bạn có thể cảm thấy đau, cứng khớp. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết những người bị lupus ban đỏ. Các vị trí phổ biến bị đau cơ và sưng bao gồm: Cổ, đùi, vai và cánh tay trên.

- Sốt: Sốt cao ảnh hưởng đến nhiều người mắc lupus ban đỏ. Tình trạng này thường do viêm hoặc nhiễm trùng.

- Phát ban: Bạn có thể bị phát ban ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như mặt, cánh tay và bàn tay. Dấu dấu hiệu đặc trưng của bệnh là phát ban màu đỏ, hình cánh bướm trên mũi và má.

- Đau ngực: Lupus ban đỏ có thể kích hoạt viêm trong niêm mạc phổi. Điều này gây ra đau ngực khi thở sâu.

- Rụng tóc: Các đốm loang lổ hoặc hói rất phổ biến ở người mắc lupus ban đỏ do tóc bị rụng.

- Nhạy cảm với ánh sáng: Hầu hết người mắc lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh sáng. Tiếp xúc với ánh sáng có thể gây phát ban, sốt, mệt mỏi hoặc đau khớp ở người mắc lupus ban đỏ.

- Vấn đề về thận: 1/2 số người bị lupus ban đỏ có vấn đề về thận là viêm thận lupus ban đỏ. Triệu chứng bao gồm tăng cân, sưng mắt cá chân, huyết áp cao và có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị tích cực.

- Loét miệng: Những vết loét này thường xuất hiện trên vòm miệng nhưng cũng có thể xuất hiện ở nướu, bên trong má và trên môi.

- Mệt mỏi: Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức ngay cả khi đã ngủ đủ giấc. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một đợt bệnh mới bùng phát.

- Suy giảm trí nhớ.

- Xuất hiện cục máu đông: Bạn có thể có nguy cơ đông máu cao hơn khi bị lupus ban đỏ. Điều này có thể gây ra cục máu đông ở chân, phổi, đột quỵ, đau tim hoặc sảy thai nhiều lần.

- Bệnh về mắt: Bạn có thể bị khô mắt, viêm mắt và phát ban mí mắt.