Vảy nến thể mảng là loại phổ biến nhất, chiếm 80% số người mắc bệnh trên toàn cầu. Ước tính, có khoảng 125 triệu người bị vảy nến trên thế giới, trong đó có 100 triệu người mắc vảy nến thể mảng. Vậy bị vảy nến thể mảng cần điều trị như thế nào để nhanh cải thiện bệnh? Mời bạn đọc thông tin trong bài viết sau!

Vảy nến thể mảng là gì?

Bệnh vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám) gây ra các tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể, nhưng thường tập trung ở khuỷu tay, đầu gối, lưng và da đầu. Triệu chứng điển hình là các mảng tổn thương đỏ, sưng viêm và có lớp vảy trắng bao phủ trên bề mặt. Đôi khi, chúng có thể khô, nứt nẻ và chảy máu. Các tổn thương thường có đường kính từ 2 – 20 cm và có một số đặc điểm sau:

- Các mảng da đỏ phủ vảy bạc hoặc trắng.

- Tổn thương gây ngứa, rát và đau nhức.

- Da có thể nứt nẻ và chảy máu.

- Đau, sưng khớp.

- Móng tay dày hoặc gồ ghề.

Bệnh vảy nến mảng thường phát triển ở độ tuổi từ 15 – 35, tuy nhiên, độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mảng

Vảy nến thể mảng nói riêng và vảy nến nói chung là bệnh viêm da mạn tính. Có nhiều yếu tố gây bệnh, nhưng nguyên nhân sâu xa được xác định là do hệ miễn dịch bị rối loạn. Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân như virus, vi khuẩn. Nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ dẫn tới rối loạn, khi đó nó sẽ nhận diện nhầm các tế bào da là “kẻ xâm lược” và sinh ra phản ứng phá hủy, tấn công chúng. Điều này làm đảo lộn chu trình hoạt động của các tế bào da. Thay vì chết sau 28 – 30 ngày được sinh ra, chúng chỉ sống 3 – 4 ngày. Sau khi chết, các tế bào da được đẩy lên bề mặt da và tích tụ lại, màu trắng như sáp nến, chồng chất lên nhau, gây viêm, tạo thành những mảng tổn thương đỏ, sưng viêm, có vảy trắng và ngứa ngáy, đôi khi nứt nẻ, chảy máu.

Ngoài ra, cũng giống như các thể bệnh vảy nến khác, vảy nến thể mảng cũng có thể được hình thành do các yếu tố nguy cơ sau:

- Yếu tố di truyền: Theo nghiên cứu, bệnh vảy nến do di truyền chiếm tới 12,7%. Trường hợp cả cha và mẹ đều mắc vảy nến thì khả năng con bị bệnh là 40%.

- Môi trường sống: Các tác nhân như hóa chất độc hại, môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước không hợp vệ sinh sẽ khiến cho da rất dễ bị dị ứng khi tiếp xúc phải.

- Nhiễm khuẩn: Các ổ vi khuẩn khu trú do bệnh lý (viêm mũi họng, viêm amidan,…) có ảnh hưởng tới sự phát sinh vảy nến, trong đó có vảy nến thể mảng.

- Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, mệt mỏi hay stress là nguyên nhân khiến cho bệnh vảy nến thể mảng phát triển.

- Rối loạn chuyển hóa: Sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, nhất là chuyển hóa đường, đạm có liên quan đến việc hình thành nên bệnh vảy nến thể mảng.

- Do dùng thuốc: Các thuốc kháng sinh, thuốc tiểu đường nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng sẽ có nguy cơ gây nên bệnh vảy nến thể mảng.

Bị vảy nến thể mảng điều trị ra sao để bệnh nhanh cải thiện?

Hiện nay, chưa có cách điều trị vảy nến khỏi hoàn toàn. Bệnh vảy nến mảng bám có thể được điều trị bằng kem dưỡng ẩm, phương pháp tự nhiên, liệu pháp ánh sáng và thuốc điều trị tại chỗ hoặc toàn thân. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần sử dụng nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát nó.

Điều trị y tế

- Sử dụng các loại kem bôi: Chúng được thoa trực tiếp lên các khu vực da bị viêm. Những loại kem này thường chứa steroid, giúp giảm thiểu sự phát triển của tế bào da và giảm viêm. Giảm sự phát triển của da ở những vùng bị bệnh vảy nến mảng bám rất quan trọng vì sự co giãn của da là do sự phát triển quá mức của các tế bào trong khu vực đó. Giảm viêm sẽ giảm thiểu các vết đỏ, đồng thời giảm ngứa và giảm đau ở khu vực này.

Dung-thuoc-boi-dieu-tri-viem-da-co-dia.webp

Dùng kem bôi khi bị vảy nến thể mảng

- Trị liệu bằng ánh sáng: Liệu pháp ánh sáng có thể giúp điều trị bệnh vảy nến mảng bám nghiêm trọng bằng cách cho da tiếp xúc với tia cực tím thường xuyên. Việc sử dụng ánh sáng cực tím giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào da trong bệnh vảy nến mảng bám, giảm thiểu vảy và đỏ da.

- Bắt đầu trị liệu toàn thân: Liệu pháp toàn thân có thể được dùng bằng đường uống, tiêm hoặc truyền tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể mà bác sĩ kê toa. Trong nhiều trường hợp, liệu pháp toàn thân sẽ không được sử dụng trừ khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh vảy nến mảng bám nghiêm trọng, bác sĩ da liễu có thể sẽ khuyên bạn nên áp dụng trị liệu toàn thân kết hợp các phương pháp điều trị khác.

- Sử dụng liệu pháp sinh học: Bác sĩ da liễu có thể kê toa một liệu pháp sinh học để điều trị vảy nến. Không giống như các liệu pháp truyền thống thường tác động đến toàn bộ hệ thống miễn dịch, liệu pháp sinh học nhắm vào những khu vực cụ thể của hệ thống miễn dịch, đó là các tế bào và protein, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của bệnh vảy nến. Thuốc sinh học được sử dụng bằng cách tiêm. Bạn không thể dùng thuốc sinh học nếu bị nhiễm trùng hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng.

Phương pháp điều trị tại nhà

- Giữ ẩm cho làn da: Điều này sẽ giúp giảm thiểu da khô, bong vảy và làm giảm ngứa. Bạn có thể sử dụng dầu ô liu hoặc dầu dừa như một loại kem dưỡng da khi bị vảy nến.

- Tắm nước ấm: Điều này có thể cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến. Bạn có thể thêm vào bồn tắm bột yến mạch nghiền mịn, dầu (như dầu ô liu hoặc dầu dừa) hoặc muối Epsom, muối Biển Chết để làm dịu da. Ngay sau khi tắm, bạn lau khô nhẹ bằng khăn nhưng không chà xát. Sau đó, ngay lập tức thoa kem dưỡng da hoặc thuốc mỡ để da luôn ẩm.

- Từ bỏ hút thuốc: Hút thuốc có thể gây ra các đợt bùng phát vảy nến và nó thường gây tổn hại cho sức khỏe, điều này ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh vảy nến mảng bám của cơ thể.

- Ngừng uống rượu: Ngoài việc sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt triệu chứng, bạn có thể điều chỉnh lối sống của mình để giảm thiểu triệu chứng và nguy cơ bùng phát, trong đó có việc cắt giảm rượu.

- Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bệnh vảy nến mảng bám được cải thiện. Hãy cố gắng cắt bỏ các chất béo, thực phẩm nhiều đường và ăn nhiều rau, thực phẩm có nhiều axit béo omega-3 như cá, hạt lanh, dầu ô liu và hạt bí ngô. Bên cạnh đó, nên tránh ăn thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến, đường tinh chế.