Chào bác sĩ, tôi mới được chẩn đoán bị lupus ban đỏ, cũng đã được kê thuốc điều trị. Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về cách điều trị căn bệnh này, xin bác sĩ cho tôi một số thông tin về các thuốc điều trị thường dùng. Và tôi cần chú ý gì trong sinh hoạt để điều trị được tốt hơn? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:

Chào bạn,

Bạn không miêu tả nhiều về tình trạng của mình nhưng nếu bạn đã được chẩn đoán là bị lupus ban đỏ và được kê thuốc điều trị thì bạn nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhé!

Tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về cách điều trị căn bệnh này.

Các thuốc điều trị lupus khá đa dạng, có thuốc dùng khi bệnh ở mức độ nhẹ, có thuốc dùng khi bệnh ở mức độ nặng hơn, các loại thuốc dùng cho 1 bệnh nhân có thể thay đổi tùy theo mức độ bệnh. Thường thì bác sĩ sẽ kết hợp một số loại thuốc để điều trị được hiệu quả nhất.

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị lupus ban đỏ là:

-         Tại chỗ: thuốc bôi corticoid (prednisolone, prednisone, methylprednisolone, hydrocortisone,…)

-         Toàn thân:

+ Thuốc chống sốt rét: thường dùng hydroxychloroquine (cần khám mắt trước và trong quá trình điều trị để phòng các biến chứng trên mắt).

+ Corticoid: liều lượng tùy theo từng giai đoạn và tiến triển của bệnh.

+ Các thuốc ức chế miễn dịch khác: azathioprine, cyclophosphamide, cyclosporine. Các thuốc này có thể phối hợp với corticoid hoặc dùng riêng tùy tiến triển của bệnh. Tuy nhiên cần cẩn trọng vì có nhiều tác dụng phụ.

Ngoài ra, nếu có các biến chứng trên các cơ quan khác như khớp, tim, thận,… bác sĩ sẽ kê các thuốc khác để điều trị biến chứng đó, ví dụ như:

-          Thuốc lợi tiểu để chống giữ nước.

-          Thuốc hạ huyết áp để điều trị tăng huyết áp.

-          Thuốc chống co giật động kinh.

-          Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

-          Thuốc giúp tăng cường sức khỏe cơ xương.

Bạn đã được kê thuốc điều trị thì bạn chú ý dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để chữa bệnh được hiệu quả nhé!

Bên cạnh dùng thuốc, bạn cũng cần chú ý các biện pháp thay đổi lối sống:

-          Thường xuyên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tình trạng bệnh và có những điều chỉnh cần thiết trong điều trị.

-          Tránh các căng thẳng về cả thể chất lẫn tinh thần. Có thể tập yoga, thiền để giúp giảm căng thẳng.

-          Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

-          Nếu da bị nhạy cảm, khó chịu khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn nên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài, mặc quần áo chống nắng để hạn chế tiếp xúc với tia cực tím.

-          Hạn chế các thức ăn chiên nướng nhiều dầu mỡ.

-          Không hút thuốc lá, vì nó có thể làm trầm trọng thêm các tác động của bệnh trên tim và mạch máu.

-          Tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng.