Chào bác sĩ. Mấy tháng gần đây tôi thấy da đầu xuất hiện nhiều vẩy, đỏ da; chân tay cũng có những đốm da đỏ có vẩy ở trên. Tuần trước tôi vừa đi khám, bác sĩ nói tôi bị vẩy nến. Bác sĩ đã kê cho tôi thuốc uống và bôi nhưng tôi thấy chưa đỡ nhiều. Bác sĩ có thể tư vấn cho tôi là có những loại thuốc hay biện pháp nào thường được áp dụng để điều trị căn bệnh này? Xin cảm ơn!
Trả lời:

Chào bạn,

Bạn đã đi khám và được chẩn đoán là bị vẩy nến. Bạn đã điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ khoảng 1 tuần. Với thời gian ngắn như vậy thì có lẽ thuốc cũng chưa phát huy được đầy đủ tác dụng, bạn cần kiên trì điều trị tiếp nhé!

Bạn có hỏi về các phương pháp điều trị vẩy nến. Tôi sẽ tư vấn cho bạn:

Các bác sĩ thường kê thuốc điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, kích thước vùng da bệnh, vị trí bị bệnh, thể bệnh vẩy nến, đáp ứng của bệnh nhân đối với biện pháp điều trị ban đầu.

Các biện pháp điều trị thường được áp dụng là:

- Thuốc bôi điều trị tại chỗ.

- Liệu pháp ánh sáng.

- Thuốc điều trị toàn thân (uống hoặc tiêm).

Thuốc điều trị tại chỗ

Dùng thuốc bôi tại chỗ có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến. Những loại thuốc bôi tại chỗ thường dùng là:

+ Corticoid bôi: giúp giảm viêm, hạn chế sự tăng sinh của tế bào thượng bì, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid bôi thường được sử dụng vào những đợt bùng phát của bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng corticoid có thể làm mỏng da, teo da, thậm chí có thể hấp thu toàn thân và gây ra các tác dụng phụ trên toàn cơ thể và làm giảm hiệu quả điều trị.

+ Hợp chất tương tự vitamin D: giúp kiểm soát tốc độ tăng sinh của tế bào da. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều có thể làm tăng bất thường nồng độ canxi trong cơ thể.

+ Anthralin: giúp giảm sự tăng sinh các tế bào da và giảm viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý rửa sạch da sau một thời gian sử dụng để hạn chế kích ứng.

+ Acid salicylic: có trong nhiều dạng thuốc mỡ, kem, gel, dầu gội đầu. Loại thuốc này thường được dùng để loại bỏ vẩy da.

Liệu pháp ánh sáng

Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo cũng thường được dùng để điều trị vẩy nến. Nếu sử dụng biện pháp này, bệnh nhân cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả điều trị mà không gây tổn thương da hay làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn phơi nắng vào một khoảng thời gian trong ngày, khi ánh nắng mặt trời còn dịu nhẹ hoặc sử dụng đèn chiếu tia cực tím UVB hay UVA kết hợp với psoralen.

Thuốc điều trị toàn thân

Đối với các tình trạng vẩy nến nặng hơn, các bác sĩ có thể kê các thuốc uống hoặc tiêm để điều trị toàn thân. Dưới đây là một số thuốc thường được sử dụng:

+ Methotrexat: có tác dụng làm chậm chu kỳ tế bào bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch. Bệnh nhân dùng methotrexat phải được theo dõi chặt chẽ vì nó có thể gây tổn thương gan, làm giảm sản xuất các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy, các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng,… Methotrexat không nên dùng cho những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh.

+ Retinoid: là những hợp chất tương tự vitamin A, được dùng trong các trường hợp bệnh nghiêm trọng không đáp ứng với các liệu pháp khác. Thuốc này cũng có thể gây dị tật bẩm sinh nên không dùng cho phụ nữ mang thai.

+ Cyclosporin: tác dụng tương tự methotrexat. Có tác dụng nhanh nhưng cũng nhanh hết tác dụng sau khi ngừng thuốc. Thuốc này có thể làm suy yếu chức năng thận, tăng huyết áp. Vì vậy bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận nếu dùng thuốc này. Ngoài ra, cyclosporin không nên dùng cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc những người đã bị ung thư da do sử dụng phương pháp điều trị PUVA.

+ Các hoạt chất sinh học như efalizumab, efanecept, alefacept,… có tác dụng điều trị vẩy nến ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được sử dụng nhiều.

Thông thường, để điều trị vẩy nến, các bác sĩ thường kết hợp các biện pháp điều trị tại chỗ với thuốc bôi và dùng thuốc uống điều trị toàn thân như trường hợp của bạn để tăng hiệu quả điều trị và giúp giảm liều các loại thuốc; có thể kết hợp dùng liệu pháp ánh sáng.

Vẩy nến là một bệnh mạn tính, không điều trị khỏi hoàn toàn được, nên mục tiêu điều trị là:

- Hạn chế triệu chứng bệnh.

- Ổn định bệnh lâu dài.

- Tránh các tác dụng phụ do thuốc.

Chúc bạn điều trị tốt!

Chuyên gia da liễu