Xin hỏi chuyên gia! Tôi bị vảy nến hơn năm nay rồi, tuy nhiên tình trạng da bong tróc, tấy đỏ không cải thiện nhiều dù đã uống đủ loại thuốc từ tây y đến đông y. Gần đây, có người mách cho tôi dùng lá lốt trị vảy nến vừa đơn giản mà có hiệu quả rất tốt. Tôi muốn hỏi chuyên gia lá lốt có tác dụng gì đối với bệnh vảy nến và cách sử dụng như thế nào? (Mỹ Hà - Hà Nội)
Trả lời:

Chào bạn Mỹ Hà! Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho đội ngũ chuyên gia của chúng tôi. Bạn đang thắc mắc về bài thuốc trị vảy nến từ lá lốt, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Vảy nến là bệnh da liễu mạn tính, liên quan tới yếu tố miễn dịch, đặc trưng bởi tình trạng da tấy đỏ thành mảng, có vảy trắng xếp chồng phía trên, bong tróc thường xuyên. Các chuyên gia cho rằng bệnh vảy nến được hình thành khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn.

Bình thường, hệ miễn dịch có chức năng phát hiện và tiêu diệt các thành phần ngoại lai như vi khuẩn, virus,... bảo vệ cơ thể khỏi mọi tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch suy yếu làm rối loạn chức năng của cả cơ thể. Điều này làm cho hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào biểu bì da khỏe mạnh, khiến chúng trở nên bất thường. Thay vì được sinh ra, chết đi sau 28 – 30 ngày, sau đó rơi ra ngoài cơ thể thì khi bị vảy nến, các tế bào da lại chết đi chỉ sau 3 – 4 ngày. Chúng chết đi liên tục và được nâng lên bề mặt da, không thể rơi ra ngoài nên tích tụ trên bề mặt da dẫn đến các tổn thương sưng, viêm, đỏ, có vảy trắng, ngứa ngáy và đôi khi nứt gây chảy máu.

Ngoài nguyên nhân bệnh vảy nến vừa kể trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh vảy nến, bao gồm:

- Yếu tố di truyền: Khoảng 33-50% trường hợp bị vảy nến sống trong gia đình có tiền sử mắc bệnh.

- Thời tiết lạnh, khô.

- Nhiễm vi khuẩn hoặc virus: Những người nhiễm HIV có nhiều nguy cơ mắc vảy nến hơn người khỏe mạnh. Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn cũng tiềm ẩn nguy cơ cao bị vảy nến.

- Uống nhiều rượu, bia.

- Tổn thương da.

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét, hạ huyết áp, điều trị rối loạn nhịp tim,...

- Hút thuốc lá.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp khắc phục triệu chứng của bệnh vảy nến, trong đó có sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên, như lá lốt mà bạn đã được chia sẻ.

Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, tính ấm, quy vào kinh tỳ, gan, mật, thường được chỉ định trong điều trị phong hàn, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hoá, đầy hơi, thận và bàng quang lạnh,… Bên cạnh đó, nhờ đặc tính kháng khuẩn tốt nên thảo dược này có tác dụng làm sạch, ngăn ngừa viêm nhiễm, giảm sưng ngứa, tổn thương, nên có hiệu quả với các bệnh da liễu, đặc biệt là vảy nến.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã phân lập được rất nhiều loại alkaloid trong lá lốt có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, đồng thời giúp giảm đau, ngứa, viêm sưng. Cùng với đó là thành phần tinh dầu trong rễ cây lá lốt với khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm và giúp giữ ẩm da, cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, bong tróc, khô nứt da.

Bạn có thể tham khảo những cách giúp cải thiện bệnh vảy nến bằng lá lốt sau đây:

- Chuẩn bị một nắm lá lốt tươi, rửa thật sạch, để ráo. Đem xay hoặc giã nhuyễn, chắt lấy nước cốt. Sau đó pha với 50 ml nước để uống. Bạn hãy thực hiện 2 - 3 lần/ngày, trong vòng 1 tháng để nhận thấy sự cải thiện.

- Bạn cũng có thể sử dụng lá, thân hoặc rễ của cây lá lốt đem rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem đun sôi với nước để vệ sinh da hàng ngày. Kiên trì thực hiện từ 2 - 3 lần mỗi tuần sẽ giúp giảm các triệu chứng như bong tróc da, ngứa ngáy hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng phần nguyên liệu đã dùng đun nước chà nhẹ lên vùng da tổn thương, rồi rửa lại bằng nước sạch cũng sẽ cho hiệu quả tốt.

Chữa vảy nến bằng lá lốt là phương pháp khá đơn giản trong việc cải thiện tình trạng bệnh nhưng bạn vẫn cần chú ý một số điều sau:

- Lựa chọn các lá tươi, không sâu bệnh, rửa sạch sẽ, có thể ngâm với nước muối loãng để loại bỏ chất bẩn, tránh dẫn đến nhiễm khuẩn ngược từ chính nguyên liệu, khiến tình trạng tổn thương da càng nghiêm trọng hơn.

- Do lượng lá lốt sử dụng ít, hàm lượng hoạt chất có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh không nhiều nên phải kiên trì áp dụng mới nhận thấy sự cải thiện.

Hy vọng câu trả lời của chuyên gia đã giúp giải đáp những thắc mắc của bạn.

Chúc bạn sức khỏe!

Chuyên gia Da Liễu