“Bệnh vảy nến có gây ung thư hay không?” gần đây đang được nhiều người quan tâm. Các chuyên gia cho rằng có vẻ như tồn tại sự liên quan giữa bệnh vảy nến và nguy cơ ung thư ở một số người. Bệnh nhân bị vảy nến có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn hẳn so với những người bình thường. Vậy thực sự bệnh vảy nến có gây ung thư không? Mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và ung thư là gì?

Bệnh vảy nến là gì? Biểu hiện của bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, thường xuất hiện trong một thời gian sau đó sẽ biến mất. Tuy rằng ở giai đoạn đầu, bệnh không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu bạn không xử lý kịp thời, bệnh sẽ có khả năng diễn biến xấu đi và trở nên nguy hiểm.

Vảy nến khá phổ biến ở nhiều đối tượng và đặc biệt thường thấy ở người trưởng thành. Khi mắc bệnh, bạn sẽ gặp phải nhiều biểu hiện như sau:

-Xuất hiện các vảy ánh bạc trắng, hơi cộm lên trên bề mặt da, rìa có màu đỏ hoặc hồng.

-Một số bệnh nhân xuất hiện các vết nứt ở da và có cảm giác đau nhức.

-Da khô, dễ gặp tổn thương.

-Lở loét, ngứa đỏ trên da.

-Các khớp cứng và sưng.                   

Bệnh vảy nến có gây ung thư không? Mối liên hệ giữa vảy nến và ung thư 

Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Có một số nghiên cứu cho rằng, bệnh vảy nến đến từ cơ chế tự miễn dịch trong cơ thể, nghĩa là khi tế bào Lympho T nhận nhầm tế bào khỏe mạnh có dấu hiệu lạ, chúng sẽ tấn công những tế bào này và gây tổn thương.

Vảy nến là bệnh không lây, tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh có thể diễn tiến thành nhiều biến chứng và một trong số đó là ung thư. Vì sao lại nghiêm trọng như vậy?

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Jashin Wu – bác sĩ da liễu của Kaiser Permanente, Los Angeles – về nguy cơ ung thư tế bào hắc tố và ung thư máu ở người cho thấy, đối tượng bị bệnh vảy nến có nguy cơ mắc phải ung thư cao gấp 2 lần so với người bình thường. Tiến sĩ Wu giải thích hiện tượng này là do hệ thống viêm đã khiến khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch suy yếu, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển của khối u.

Tương tự như kết quả trên, vào tháng 10 năm 2006, một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Dermatology cũng khẳng định, đối tượng bị bệnh vảy nến có nguy cơ rất cao bị u lymphoma – một loại bệnh bạch cầu tế bào.

Từ các số liệu thống kê mà người ta phát hiện ra sự liên quan giữa bệnh vảy nến và các loại bệnh ung thư. Tuy vậy, mối liên kết này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

-Tuổi tác: Những đối tượng trên 65 tuổi mắc bệnh vảy nến sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn hẳn so với người trẻ tuổi bị cùng bệnh này. Cụ thể, các khối u Lymphoma hầu hết được phát hiện ở đối tượng từ 50 đến 60 tuổi.

-Mức độ của bệnh: Tình trạng vảy nến càng nặng thì khả năng mắc phải ung thư càng lớn hơn. Các bác sĩ cũng khẳng định, ở mức độ nhẹ, bệnh vảy nến sẽ không gây ung thư và bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, điều trị vẫn là cần thiết.

-Thuốc điều trị: Trước năm 2013, một số hoạt chất ức chế TNF-alpha như Enbrel hay Humira được xem là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, theo cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), những loại thuốc này sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và u lymphoma. Vì thế, nếu quá lạm dụng, sau thời gian điều trị, cơ thể của bạn vẫn sẽ có khả năng cao bị ung thư máu.

Điều trị bệnh vảy nến như thế nào?

Từ những nghiên cứu trên, chúng ta thấy rằng bệnh vảy nến có thể gây nên một số loại ung thư với nguy cơ rất cao trong trường hợp nặng. Vậy, làm sao để điều trị dứt điểm bệnh này?

Trên thực tế, cho đến hiện nay, chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể giúp bạn hoàn toàn chữa khỏi bệnh vảy nến. Người ta vẫn thường sử dụng các giải pháp chỉ để kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.

Nếu ở trạng thái bệnh nhẹ và vừa, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ da liễu kê một số loại kem chuyên dùng để thoa dưỡng da, dầu chứa nhựa than hay xà phòng chuyên biệt. Những sản phẩm này sẽ hỗ trợ giảm viêm, hạn chế đóng vảy và các biểu hiện ngứa trên da. Ngoài ra, một số loại thuốc chống viêm tại chỗ khác cũng sẽ được bổ sung vào phác đồ điều trị.

Trong trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ có thể sử dụng thêm các loại hoạt chất như Acid Salicylic để tẩy lớp mài, PUVA (bao gồm psoralen và kết hợp chiếu tia cực tím loại A), một số loại thuốc ức chế miễn dịch (không khuyến khích dùng), các loại thuốc trị ngứa – chống dị ứng và kháng sinh nếu cần thiết.

Để hạn chế diễn biến và giúp tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể, bạn cần phải tạo dựng và duy trì một số thói quen lành mạnh như:

-Uống thuốc và thoa kem thường xuyên, đều đặn theo đúng các chỉ định từ bác sĩ.

-Nên tiếp xúc với nắng mặt trời ở mức độ cho phép, hợp lý.

-Giữ vệ sinh và tránh để da bị khô, bong tróc hoặc tổn thương.