Vảy nến là một trong những bệnh da liễu mạn tính phổ biến do tự miễn. Người bị vảy nến đặc trưng bởi các mảng da màu đỏ, bong tróc, cùng những vảy trắng hoặc bạc, gây ngứa ngáy và khó chịu. Mới đây, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, bệnh nhân vảy nến nghiêm trọng có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao hơn. Cụ thể như thế nào? Mời bạn theo dõi trong bài viết này!

Cơ chế hình thành bệnh vảy nến

Vảy nến là một tình trạng do tự miễn. Cơ chế hình thành bệnh như sau: Thông thường, hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể thông qua hoạt động phát hiện và tiêu diệt virus, vi khuẩn. Trong khi đó, tế bào da mất 28 – 30 ngày để hình thành, phát triển, chết đi, nâng dần lên bề mặt và rơi ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, khi mắc vảy nến, hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công các tế bào da, khiến chu trình sản sinh tế bào biểu bì da bị đẩy nhanh gấp 10 lần, chỉ còn 3 – 4 ngày để “hoạt động”. Chúng liên tục được tạo ra, chết đi và tích tụ trên bề mặt da, tạo thành những mảng tổn thương đặc trưng.

Nguyên nhân gây ra sự rối loạn của hệ miễn dịch ở trên vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể tác động, làm phát triển triệu chứng vảy nến, bao gồm:

- Yếu tố di truyền: Những người có anh chị, em, người thân trong gia đình mắc bệnh vảy nến thì cũng rất dễ gặp tình trạng này.

- Tổn thương da: Một vết cắt, vết xước, nhiễm trùng, cháy nắng hoặc gãi quá nhiều cũng có thể kích hoạt bùng phát vảy nến.

- Nhiễm trùng: Người bị viêm họng liên cầu khuẩn có nguy cơ cao bị bệnh vảy nến thể giọt. Bên cạnh đó, tình trạng đau tai, viêm phế quản, viêm amidan,… cũng có thể kích hoạt triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm cho bệnh vảy nến tồi tệ hơn, bao gồm: Thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thuốc chống sốt rét,…

- Căng thẳng kéo dài, áp lực liên tục do công việc, gia đình.

- Người béo phì, thừa cân: Ở những người này, triệu chứng vảy nến thường phát triển trên nếp nhăn và nếp gấp da.

- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia. 

Người bị vảy nến nghiêm trọng tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Arteriosclerosis, Thrombosis và Vein Biology đã mô tả mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và tình trạng phình động mạch chủ bụng. Theo đó, mức độ nghiêm trọng của vảy nến cũng liên quan tới các vấn đề về tim mạch.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Usman Khalid, công tác tại Bệnh viện Herlev và Gentofte, Đan Mạch, đã sử dụng dữ liệu của Đan Mạch từ năm 1997 đến 2011 để điều tra mối liên hệ giữa vảy nến và tình trạng phình động mạch chủ bụng. Cụ thể, tổ khảo sát đã thống kê thông tin từ 59.423 người mắc vảy nến nhẹ và 11.566 bệnh nhân vảy nến nặng, để theo dõi tình trạng phình động mạch chủ bụng. Kết quả cho thấy, đối với những người bị bệnh vảy nến nhẹ, tỷ lệ mắc là 7,30% và bệnh nhân vảy nến nặng, tăng lên 9,87%. Trong khi đó, tình trạng phình động mạch chủ bụng xảy ra chỉ với tỷ lệ 3,72% ở 10.000 người không mắc vảy nến trong một năm. Do đó, nguy cơ xảy ra tình trạng phình động mạch chủ bụng cao hơn 67% ở những người mắc vảy nến nặng.

Tiến sĩ Usman Khalid cũng khuyến cáo rằng, động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể, giãn hoặc phình ra, được gọi là phình động mạch chủ bụng (AAA). Hiện tượng này là một nguy cơ cho sức khỏe vì nó có thể bị vỡ, gây chảy máu trong nghiêm trọng, dẫn đến sốc hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp ít gặp hơn, phình động mạch chủ có thể gây ra tình trạng tắc mạch, làm người bệnh đau dữ dội hoặc dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như liệt chi. Tuy chưa có đủ nghiên cứu thuyết phục để chứng minh bệnh vảy nến có thể trực tiếp gây ra phình động mạch chủ bụng nhưng người bị bệnh này vẫn cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ để giảm thiểu nguy cơ phình động mạch chủ bụng cũng như những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Người mắc bệnh vảy nến cần lưu ý điều gì?

Bởi hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, nên người mắc cần học cách “sống chung” với căn bệnh này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa cũng như hỗ trợ điều trị vảy nến hiệu quả:

- Ăn uống lành mạnh: Theo khảo sát gần đây, khoảng một nửa số người mắc vảy nến đã nhận thấy sự cải thiện các triệu chứng bệnh sau khi giảm lượng rượu, gluten, sữa,… Điều này cũng được ghi nhận ở những người bổ sung omega-3, dầu cá, rau và vitamin D vào chế độ ăn uống của họ. Hơn thế, để giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn giữa vảy nến và các bệnh như tim mạch, tiểu đường,... đòi hỏi người mắc cần duy trì thói quen ăn uống phù hợp, hạn chế ăn chất béo, đồ ngọt, nước uống có ga, thực phẩm chế biến sẵn,...

- Tránh hút thuốc và rượu: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc và uống nhiều rượu có thể làm nặng thêm triệu chứng bệnh vảy nến. Do đó, hãy hạn chế hút thuốc lá và cắt giảm lượng rượu tiêu thụ để ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.

- Bảo vệ làn da của bạn: Những tổn thương trên da, dù nhỏ như một vết cắt, hoặc cháy nắng cũng có thể kích hoạt bệnh vảy nến. Tình trạng này có thể gây ra một phản ứng gọi là hiện tượng Koebner, hình thành vảy nến ngay trên các tổn thương cũ. Để tránh điều này, bạn nên áp dụng một số biện pháp như: Sử dụng kem chống nắng khi ở ngoài trời; tránh vết cắt hoặc trầy xước; theo dõi chặt chẽ làn da sau khi tiêm chủng,...

- Giảm căng thẳng: Áp lực công việc, tâm trạng thay đổi do phải chia tay một mối quan hệ, người thân ra đi đột ngột có thể khiến bạn gặp những căng thẳng nhất định. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt tình trạng này bằng cách trò chuyện, tâm sự cùng một người đáng tin cậy, nghe nhạc, tập yoga, ngồi thiền hay tham gia khóa học nghệ thuật yêu thích,...

- Ngủ đủ giấc có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và kiểm soát căng thẳng. Tất cả những điều này sẽ giúp kiểm soát vảy nến hiệu quả.

- Xem xét lại một số loại thuốc mà bạn sử dụng để tránh bị kích hoạt vảy nến.

- Sử dụng kem dưỡng da: Da quá khô có thể kích hoạt bệnh vảy nến bùng phát. Do đó, hãy tránh tắm nước nóng hoặc chà xát da quá mạnh. Sau khi tắm, thấm sạch da bằng khăn và thoa kem dưỡng da dịu nhẹ để giúp giữ ẩm. Bạn cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà nếu không khí khô hoặc đang bật máy lạnh để tránh bệnh bùng phát.

- Tập thể dục hàng ngày cũng giúp bạn duy trì cân nặng, cải thiện hệ miễn dịch, từ đó ngăn ngừa vảy nến tái phát.