Vẩy nến là bệnh khó nhận diện nếu xuất hiện trên da đầu. Vì vậy khi thấy xuất hiện nhiều gầu bất thường, bệnh nhân nên đi khám để có hướng điều trị kịp thời.
Dấu hiệu của bệnh vẩy nến da đầu
Bệnh vẩy nến là bệnh do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Trong bệnh này, các tế bào da sản sinh nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên thay vì mất đi như tế bào chết bình thường thì nó nổi lên thành từng đám vẩy trắng. Vẩy nến thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, khuỷu tay, đôi khi ở khắp cơ thể. Bệnh gây ra những cảm giác khó chịu như: ngứa, khi gãi sẽ rụng nhiều vảy như gàu, có khi gây chảy máu da đầu. Nguyên nhân gây ra bệnh chưa được biết rõ. Tuy nhiên rất có thể do hệ miễn dịch của cơ thể phát ra một tín hiệu khiến tế bào da tăng trưởng quá nhanh mà sinh ra bệnh.
Bệnh vẩy nến thường xuất hiện đầu tiên ở vùng da đầu, chiếm tới 60% số bệnh nhân bị vẩy nến. Tuy nhiên, bệnh vẩy nến xuất hiện trên da đầu thường khó phát hiện do bị tóc che khuất. Thậm chí nhiều người lại lầm tưởng mình có nhiều gàu, nên không để ý và đi khám. Vì thế, bệnh ngày càng trầm trọng hơn và tổn thương lan ra cả rìa chân tóc (nhưng không gây rụng tóc), xuống mặt, thân mình và tay chân. Bệnh vẩy nến gây cho bệnh nhân sự mặc cảm, tự ti khi đến chỗ đông người, khó hòa nhập cộng đồng khiến chất lượng sống bị suy giảm.
Xử trí khi bị bệnh vẩy nến da đầu
Để ngăn chặn sự phát triển, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với tia cực tím, tránh làm tổn thương da. Bệnh nhân nên ngâm da đầu trong nước ấm từ 10 đến 15 phút, sau đó bôi thuốc dưỡng ẩm làm mềm da. Các thuốc bôi bệnh nhân có thể dùng là thuốc mỡ acid salicylic, kem chứa thành phần steroid… Tuy nhiên việc dùng kem bôi cũng khó khăn vì khi bôi thuốc lên da đầu sẽ bị vướng bởi tóc. Những thuốc uống khác thì lại dễ gây tác dụng phụ.