Vảy nến da mặt là bệnh mạn tính, có liên quan đến yếu tố miễn dịch. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng này còn gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, khiến người mắc vô cùng tự ti. Đừng quá lo lắng, những loại mặt nạ tự nhiên sau đây sẽ là “cứu cánh” cho bạn, giúp cải thiện các triệu chứng nhanh chóng hơn. Cùng tham khảo nhé!
Vảy nến da mặt là bệnh gì?
Vảy nến da mặt hay bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể là tình trạng tổn thương trên da dễ tái phát nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp. Các triệu chứng thường xuất hiện ở đường viền tóc, trán, lông mày, da giữa mũi, môi trên,... với biểu hiện điển hình là: Da sưng đỏ, phủ vảy trắng, bong tróc liên tục, đồng thời gây ngứa ngáy khó chịu.
Dù chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh nhưng các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể chính là yếu tố hàng đầu. Trong trường hợp này, chúng đã nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào da khỏe mạnh, khiến những tế bào này chết đi nhanh chóng, nhưng không kịp bong ra mà xếp chồng lên nhau, hình thành nên các mảng sưng đỏ, tróc vảy liên tục.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ vảy nến da mặt tiến triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Chấn thương nặng gây tổn thương da.
- Dị ứng thực phẩm, thời tiết.
- Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống rượu, bia,... kéo dài.
- Dinh dưỡng chưa hợp lý: Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein, chất béo, gluten,...
- Tác dụng phụ của một số thuốc.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp khắc phục vảy nến da mặt như: Sử dụng thuốc, laser, chiếu tia UV,... nhưng những mẹo đơn giản tại nhà vẫn được khá nhiều người áp dụng bởi nguồn nguyên liệu dễ kiếm mà cũng đạt được hiệu quả nhất định.
3 loại mặt nạ tự nhiên cho người bị vảy nến da mặt
Dưới đây là 3 loại mặt nạ tự nhiên cho người bị vảy nến da mặt, cùng tham khảo nhé!
Mướp đắng
Dân gian biết đến mướp đắng là một món ăn ngon, bổ, có tính mát. Các chuyên gia cho biết, trong loại quả này bao gồm nhiều thành phần có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, nên đạt hiệu quả khá tốt trong việc giảm ngứa, giảm sưng đỏ trên da, đồng thời giúp da nhanh hồi phục.
Bạn có thể áp dụng cách sau: Chuẩn bị 1 – 2 trái mướp đắng, cắt bỏ ruột, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng. Sau đó vớt ra, xay nhuyễn, lấy hỗn hợp này đắp mặt trong 15 - 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Bạn nên thực hiện 2 – 3 lần/tuần để các biểu hiện được cải thiện nhanh chóng.
Nha đam
Theo nghiên cứu, phần gel từ lá nha đam có thể làm dịu cơn ngứa trên da mặt do vảy nến hoặc bệnh vảy da khác. Bạn hãy lấy 1 nhánh nha đam, làm sạch vỏ, rửa qua, cắt thành lát nhỏ và đặt lên vị trí tổn thương trên mặt trong 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện liên tục phương pháp này vừa làm mềm và sáng da, vừa giúp khắc phục triệu chứng vảy nến da mặt hiệu quả.
Dầu dừa
Dầu dừa được biết đến với công dụng làm đẹp da, đồng thời chúng còn được sử dụng để khắc phục tổn thương trên da mặt nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Cách thực hiện vô cùng đơn giản như sau: Rửa mặt sạch sẽ và lau khô bằng khăn mềm. Sau đó, thoa một lớp mỏng dầu dừa lên mặt và massage nhẹ nhàng. Bạn có thể để qua đêm hoặc rửa bằng nước ấm sau 20 phút cũng cho hiệu quả tốt.