Vẩy nến là một bệnh tự miễn biểu hiện ra ngoài da, và có tính di truyền, cha hoặc mẹ bị bệnh thì khả năng con cũng bị bệnh này. Tuy nhiên căn bệnh ngoài da này không có tính lây nhiễm từ người này sang người khác.

Triệu chứng bệnh

Vẩy nến là do rối loạn hệ thống miễn dịch, gây ra các thương tổn bên ngoài da, chiếm khoảng 1,5 – 2% dân số. Bệnh tạo nên những mảng lớn màu hồng hoặc đỏ, dày, có vẩy màu trắng bạc phủ lên trên, dễ bong thành các vẩy mỏng như vẩy nến. Bệnh thường xuất hiện nhiều đầu tiên ở da đầu, các vùng tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối và mông, lưng... và những nơi khác (vẩy nến móng, vẩy nến bàn tay…).

Bệnh khởi phát thường xuất hiện những mảng nhỏ, diện tích tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nếu làm vùng da đó tổn thương do gãi mạnh, hay cố gắng làm tróc lớp vẩy hoặc bôi không đúng thuốc thì sẽ gây ngứa, khó chịu, làm bệnh nặng hơn.

Vì thế, bệnh nhân cần phải nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của bệnh để khám bác sĩ kịp thời. Đây là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn, đa số khởi phát bệnh từ 20 – 30 tuổi cả ở nam lẫn nữ.

Bệnh vảy nến di truyền

Bệnh vẩy nến có tính di truyền, nếu cha hoặc mẹ bị bệnh thì 8,1% khả năng con cũng bị bệnh này. Nếu cả cha và mẹ cùng bị thì nguy cơ con mắc phải tăng lên 41%. Do các thương tổn ngoài da thường vô khuẩn nên không phải là một căn bệnh lây nhiễm, không có tính lây truyền từ người này sang người khác.

Đối với các vẩy nến thể nặng, đáng sợ nhất sẽ dẫn đến biến chứng là viêm khớp,   viêm đa khớp, viêm cứng cột sống dẫn đễn cứng khớp và biến dạng. Triệu chứng này có thể xuất hiện trước, cùng lúc khi xuất hiện vẩy nến hoặc sau khi bị biến chứng.

Các yếu tố nguy cơ khác như stress, chấn thương và nhiễm trùng đều làm cho bệnh nặng hơn. Ngoài ra, một số thuốc cũng làm bệnh xấu hơn bao gồm lithitum, vài loại hạ áp (ức chế beta, ức chế men chuyển), vài loại kháng viêm non-steroid, uống rượu bia, hút thuốc lá…

Người bệnh cần phải tập thói quen ăn uống lành mạnh và sinh hoạt điều độ để bệnh không có cơ hội phát triển. Bệnh vẩy nến có nhiều cách điều trị như sử dụng các loại thuốc bôi dạng kem, mỡ, dung dịch hay gel hoặc thuốc dùng đường chích, đặc biệt là dùng tia cực tím.

Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân, từng loại bệnh, tùy vùng tổn thương mà có cách xử trí, điều trị khác nhau. Hơn nữa, sau một thời gian sử dụng, bệnh sẽ “lờn” với điều trị, thuốc không còn hiệu quả. Chính vì thế, người bệnh không nên chủ quan khi thấy bệnh tình có phần thuyên giảm.

Phải có sự kết hợp nhiều loại thuốc với nhau thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa giá cả điều trị cũng gồm nhiều loại nên người bệnh cần phải trao đổi với bác sĩ để tìm cách cải thiện thích hợp nhất. Vì không tuân thủ đúng chế độ điều trị, ngưng thuốc đột ngột sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và làm bệnh nặng hơn.