Mắc vảy nến là nỗi ám ảnh của nhiều người, bởi khó điều trị, dễ tái phát – đặc biệt khi trời lạnh và khô. Bệnh thường tiến triển âm thầm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, thẩm mỹ.

Vẩy nến là một bệnh tự miễn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, rất thường gặp, chiếm 2-3% dân số thế giới. Bệnh có liên quan tới cơ chế tự miễn và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như: nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn (viêm tai mũi họng, cúm), căng thẳng , rối loạn nội tiết, dị ứng, di truyền... Bệnh tiến triển từng đợt, hay tái phát, dai dẳng trong nhiều năm. Khi thời tiết chuyển mùa, vảy nến rất dễ bùng phát. Đặc biệt khi thời tiết lạnh và khô, các triệu chứng vẩy nến càng trở lên trầm trọng.

Khi mắc bệnh vẩy nến, trên da bệnh nhân xuất hiện các đám mảng đỏ có kích thước không đồng đều, trên các mảng đỏ là những lớp vẩy trắng mà khi bong ra vụn như sáp nến nên bệnh được gọi là vẩy nến. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở trên da đầu và vị trí mắc bệnh thường gặp ở các vùng tì đè như: khuỷu tay, khuỷu chân, mông, lưng… Các vẩy cứ bong ra lại có lớp khác mọc lên, làm cho bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, và đặc biệt là mất tự tin khi giao tiếp.

Để phòng ngừa cũng như hạn chế sự phát triển của vảy nến, bệnh nhân nên hạn chế ăn đồ ngọt, chất béo động vật. Tránh những thực phẩm có chứa nhiều chất cồn, chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê... Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bổ sung các loại axit béo có lợi như Omega – 3 có trong dầu cá…

Điều trị vẩy nến hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thông thường các bác sĩ kê cho bệnh nhân sử dụng các thuốc bôi giúp làm mềm da, có tác dụng bong sừng, giảm các cảm giác khó chịu tại vị trí tổn thương. Các thuốc uống có thể là các thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch toàn thân tuy nhiên cần cân nhắc khi lựa chọn vì có thể gây ra các tác dụng phụ đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Có thể sử dụng biện pháp quang hóa để điều trị đối với các thể nặng, tổn thương rộng tuy nhiên phương pháp này cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ làm ung thư da.