Vảy nến là bệnh mạn tính gây viêm da, ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người trên thế giới, trong đó có 2,5 triệu người Việt Nam. Vậy vảy nến là gì, triệu chứng nhận biết như thế nào, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả ra sao? Mời bạn đọc thông tin có trong bài viết sau đây.

Vảy nến là gì? Cơ chế hình thành bệnh

Vảy nến là bệnh tự miễn, gây ra các tổn thương da đỏ, sưng viêm, bong tróc vảy trắng và ngứa ngáy.

Thông thường, cơ thể được bảo vệ bởi hoạt động của hệ miễn dịch thông qua cơ chế phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch rối loạn sẽ tấn công các tế bào da, làm tăng sinh mạnh mẽ và đẩy nhanh quá trình hình thành tế bào da lên gấp 10 lần (3 – 4 ngày thay vì 28 – 30 ngày như bình thường). Điều này khiến các tế bào da chết tích tụ và chồng chất lên nhau, gây ra những mảng tổn thương da bong tróc.

Vảy nến có nhiều loại nhưng phổ biến nhất (chiếm đến 80%) là vảy nến thể mảng, biểu hiện với tổn thương sưng, viêm, có vảy trắng, đường kính 2 – 20 cm. Chúng có thể ngứa ngáy, nứt nẻ và đôi khi gây chảy máu. Ngoài ra, vảy nến còn có thể giọt, thể mủ, thể đảo ngược, đỏ da toàn thân, ảnh hưởng đến khớp và móng.

Nguyên nhân gây vảy nến

Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chính xác chưa được tìm ra. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, nó có liên quan đến hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ từ môi trường. Ngoài ra, một số yếu tố gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh bao gồm:

- Thời tiết lạnh, khô: Điều này khiến da khô và làm trầm trọng thêm triệu chứng vảy nến.

- Stress, căng thẳng kéo dài: Nhiều người báo cáo rằng, bệnh vảy nến đã bùng phát vào lúc họ căng thẳng nhất. Do đó, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và thực hiện các biện pháp giảm stress như đọc truyện, nghe nhạc, thiền, tập yoga,…

- Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc chẹn beta, lithium, thuốc điều trị sốt rét,… làm tăng nguy cơ mắc vảy nến.

- Nhiễm trùng: Mắc viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan,… có thể kích hoạt vảy nến bùng phát.

- Chấn thương da: Ở một số người, những vết cắt, bầm tím, côn trùng cắn, hình xăm và bỏng có thể gây ra đợt bùng phát bệnh vảy nến.

- Uống quá nhiều rượu: Uống rượu có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm triệu chứng bệnh vảy nến. Kết hợp một số loại thuốc điều trị vảy nến với rượu có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.

- Hút thuốc: Thói quen này làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến và khiến tình trạng hiện tại trở nên tồi tệ hơn.

Biến chứng bệnh vảy nến

Các vấn đề sức khỏe khác có thể phát triển do bệnh vảy nến. Không chỉ da mà bệnh vảy nến cũng có thể ảnh hưởng đến xương, cơ bắp và hệ thống trao đổi chất.

- Viêm khớp vảy nến: Có tới 30 - 50% người mắc bệnh vảy nến bị viêm khớp với các triệu chứng khớp sưng, đau, tấy đỏ. Loại vảy nến này gây viêm và tổn thương khớp, phổ biến ở người bệnh từ 30 - 50 tuổi.

- Các biến chứng khác: Những người bị vảy nến có thể bị tự ti, mặc cảm, thậm chí là trầm cảm. Ngoài ra, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường và một số loại ung thư, như ung thư đầu và cổ; xuất hiện khối u đường tiêu hóa,…

Các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay

Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị bệnh là cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Một số biện pháp điều trị vảy nến phổ biến bao gồm:

Sử dụng thuốc điều trị

Các thuốc được sử dụng trong điều trị vảy nến bao gồm 2 nhóm:

- Nhóm thuốc điều trị tại chỗ: Áp dụng cho người mắc vảy nến nhẹ đến trung bình. Các loại thuốc mỡ, kem hoặc gel bôi giúp bong sừng bạt vảy, giảm ngứa, làm mềm vảy, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến hiệu quả.

- Nhóm thuốc điều trị toàn thân: Được sử dụng cho tình trạng vảy nến ở mức độ từ trung bình đến nặng hoặc xuất hiện tổn thương ở nhiều vị trí trên cơ thể. Các loại thuốc này thường là thuốc ức chế hệ miễn dịch, chống viêm nên giúp cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến nhanh chóng. Tuy hiệu quả nhưng các loại thuốc tây thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bao gồm: Suy gan, xơ gan, suy thận, làm mỏng da, loãng xương,…

thuoc-tri-vay-nen (1).jpg

Dùng thuốc điều trị vảy nến

Quang hóa trị liệu vảy nến

Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng mặt trời hoặc tia UV chiếu lên các tổn thương vảy nến, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này làm tăng nguy cơ ung thư da, bỏng da nên người dùng cần thận trọng.

Biện pháp thay đổi lối sống

Người bị vảy nến được khuyên nên: Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng; không uống rượu, bia; bỏ hoặc không hút thuốc lá; có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh; thường xuyên tập luyện, tăng cường vận động.