Vẩy nến là một bệnh mạn tính, biểu hiện bên ngoài da, nhất là các vùng bị tì đè, thường xuất hiện đầu tiên trên da đầu. Theo điều kiện thời tiết, vảy nến hay nặng thêm vào các tháng mùa đông, khi khí hậu lạnh, khô hanh. Tuy ít đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh dễ gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khiến bệnh nhân tự ti, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Dấu hiệu bệnh vảy nến 

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh vảy nến là hiện tượng tróc vẩy, xuất hiện nhiều mảng đỏ có ranh giới rõ ràng, đối với vẩy nến trên da đầu thì dễ nhận thấy dọc theo mép tóc, trên trán hoặc sau tai. Bệnh thường phát triển vào mùa đông, do không khí khô hanh kích thích bong vảy, gây ngứa ngáy. Vì vậy, bệnh nhân vẩy nến thường rất sợ đến mùa đông, mùa khô, bệnh thường tái phát và nặng hơn, trở thành nỗi ám ảnh. Vảy nến có thể tăng nặng khi sử dụng dầu gội không thích hợp, dùng một số đồ uống kích thích như: rượu, cà phê hoặc hút thuốc lá… Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng thần kinh cũng là nguyên nhân bùng phát bệnh.

Người bệnh nên làm gì?

Về điều trị, thường phải kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi. Có rất nhiều loại thuốc, từ thuốc cổ điển (asen, bismut, DDS) đến hiện đại (kháng sinh, corticoid, cyclosporin, methotrexat, interferon, interleukin…). Các nhóm thuốc này giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, nhưng có thể gây một số tác dụng phụ, đồng thời bệnh dễ tái phát sau một thời gian ngưng dùng thuốc. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chiếu tia PUVA (quang hóa trị liệu) nhưng tùy vào hoàn cảnh cụ thể và tình trạng bệnh cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cần hạn chế tối đa việc dùng các thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, vì thuốc này có tác dụng nhanh nhưng sau đó bộc phát rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí chống chỉ định dùng thuốc uống corticoid. Nhưng vì tác dụng nhanh thấy rõ nên nhiều bệnh nhân và nơi điều trị vẫn lạm dụng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Để hạn chế bệnh vảy nến tái phát vào mùa đông, người bệnh nên tránh căng thẳng quá mức; tránh những tổn thương trên da vì tổn thương trên da có thể làm bệnh vảy nến phát triển ngay tại đó; tránh uống rượu, hút thuốc, ăn nhiều chất béo động vật. Ngoài ra, bạn cần tập thể dục thể thao nhẹ nhàng hàng ngày, ngủ đầy đủ ngày 6-8 tiếng, và có thể sử dụng thêm chất Omega 3…