Do nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vẩy nến là một trong những bệnh về da khó chữa hết hẳn. Điều này gây chán nản trong tâm lý người bệnh và làm họ căng thẳng thêm mà càng căng thẳng, càng âu lo, buồn bực thì bệnh càng nặng. Điều này tạo thành một vòng lẩn quẩn ngày càng làm bệnh thêm nặng.

Tuy không điều trị hết hẳn nhưng việc trị liệu sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như tổn thương khớp, vẩy nến mủ hoặc bệnh cảnh đỏ da toàn thân. Không những thế, trị liệu đúng cách còn giúp bệnh nhân giới hạn được các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Việc phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn sự trầm trọng của bệnh hơn là ngăn bệnh không xảy đến với mình. Vì vậy việc tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết giúp người bệnh có được một cuộc sống thoải mái.

Những việc bệnh nhân nên làm:

-   Hiểu được tinh thần sống chung với bệnh một cách lạc quan

-    Biết cách chế ngự căng thẳng, vui chơi giải trí lành mạnh

-    Giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực

-    Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều đạm (vì người có bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy tróc ra hằng ngày), ít béo, ngọt (đã có các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan bệnh vẩy nến với rối loạn chuyển hóa lipid)

 -     Điều trị bệnh vẩy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa

-     Phòng ngừa và trị liệu sớm các nhiễm trùng đường hô hấp, răng miệng

-     Thoa kem giữ ẩm cho da khi bệnh đã thuyên giảm

-     Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn phải trị đồng thời nhiều bệnh với nhiều thuốc uống cùng lúc. Một số thuốc uống có thể làm nặng thêm bệnh vẩy nến như thuốc kháng sốt rét hoặc gây tương tác hóa học với nhau.

Những việc bệnh nhân không nên làm:

-      Cào gãi, chà xát thương tổn vì ở bệnh vẩy nến có hiện tượng KOEBNER. Đây là hiện tượng nổi thêm sang thương mới sau khi có kích thích cơ học

-      Tự điều trị theo mách bảo hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc đã đỡ bệnh trước đây mà không qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

-      Tắm nước quá nóng, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng khô da tróc vẩy

-      Uống rượu

Tóm lại, bệnh vẩy nến là một bệnh da mạn tính. Người bệnh cần tuân thủ và hợp tác với thầy thuốc để việc trị liệu đạt hiệu quả. Ngoài ra, một lối sống lành mạnh với tinh thần lạc quan yêu đời kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lí, biết cách chế ngự căng thẳng là những việc khả thi giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt đẹp dù cho một phần cuộc sống của họ luôn phải đồng hành với bệnh vẩy nến.