Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Bệnh mang tính di truyền, không nguy hại đến tính mạng, không lây nhưng thường kéo dài, tái phát, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Theo y học cổ truyền, bệnh vảy nến gọi là tùng bì tiễn, là bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh vảy nến là đỏ da, có vảy nổi cộm ít hoặc nhiều. Nền đỏ này thường có vảy trắng, xám phủ lên trên, phải cạo hết lớp vảy này mới thấy rõ. Bệnh hay phát vào mùa đông, ở da đầu và mặt ngoài của tay, chân; nặng thì phát ra toàn thân kèm theo sưng đau các khớp tay chân. Y học cổ truyền cho nguyên nhân của bệnh vảy nến là do huyết nhiệt, lại cảm phải phong hàn mà thành bệnh, lâu ngày làm huyết táo, không dinh dưỡng được da sinh vảy nến.
Sau đây là các bài thuốc chữa trị bệnh này tuỳ theo từng thể bệnh:
Thể phong huyết nhiệt:
Triệu chứng: những nốt chấm đỏ xuất hiện nhiều, liên tục, lâu ngày to dần, màu hồng tươi, ngứa nhiều.
Phép chữa: khu phong, thanh nhiệt, lương huyết.
Bài thuốc 1: hoa hoè 20g, sinh địa 20g, thổ phục linh 16g, ké dầu ngựa 16g, hy thiêm 16g, cây cứt lợn 12g, thạch cao 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2 (Hoè hoa thang gia giảm): hoè hoa sống 40g, thăng ma 12g, sinh địa 40g, thổ phục linh 40g, tử thảo 12g, thạch cao 40g, ké đầu ngựa 20g, địa phu tử 12g, chích thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể phong huyết táo:
Triệu chứng: ở thể bệnh kéo dài, có triệu chứng: những nốt mới ít xuất hiện, những nốt cũ màu hơi đỏ, ngứa, mặt da khô.
Phép chữa: dưỡng huyết, nhuận táo, khu phong.
Bài thuốc 1: hà thủ ô 20g, đương quy 20g, khương hoạt 16g, thổ phục linh 40g, ké đầu ngựa 16g, sinh địa 16g, huyền sâm 12g, oai linh tiên 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2: huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, hà thủ ô, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc tắm rửa: hoả tiêu, phác tiêu, khô phàn, dã cúc hoa mỗi thứ 15g. Nấu nước tắm rửa, ngày 1 lần.
Kết hợp day bấm các huyệt: khúc trì, nội quan, thần môn, túc tam lý, tam âm giao, phi dương.
Những bài thuốc theo kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh:
Bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông: + ngải cứu khô 2 nắm tay, tẩm ít bột mỳ, nấu nước uống hằng ngày.
Phèn chua, vỏ lựu, tán nhỏ hoà dấm mà bôi.
Bài thuốc của Tuệ Tĩnh: rễ cây núc nác 1 nắm, sinh địa 10 củ (trồng ở vườn) đều đập nát, thạch tín một ít, tán nhỏ, dấm chua 1 bát (200ml). Tất cả bỏ vào lọ, lấy bùn trát kín, đun cách thuỷ 10 giờ, rồi đem ra xức (ngửi). Không để thuốc vào mắt, mặt (thạch tín là thuốc độc bảng A). Nếu nổi vết đỏ, tròn bằng đồng tiền, ngứa, chảy nước vàng thì dùng: xương chó vàng 2 phần, vỏ trứng gà con so 1 phần, tóc rối 1 phần. Tất cả đốt ra tro, tán nhỏ, hoà dầu vừng, xát vào tổn thương.
Ăn uống hỗ trợ trị bệnh: Người bệnh vảy nến nên thường xuyên ăn cháo tang thầm, hồng táo: tang thầm (quả dâu tằm) 30g, hồng táo 10 quả, bách hợp 30g, gạo lức 100g. 3 vị trên cho nước ninh kỹ, sau khi bỏ bã cho gạo đã vo sạch vào nấu thành cháo. Ngày dùng 1 liều, ăn liền 1 tuần là một liệu trình, nghỉ 1 tuần, ăn tiếp và cứ ăn như thế đến khi bệnh thuyên giảm.
Vị trí huyệt Khúc trì: gấp cánh tay vào ngực, huyệt ở đầu khuỷu cẳng tay cách cùi chỏ khoảng chiều ngang của 3 ngón tay 2 - 3 - 4. Nội quan: từ lằn chỉ cổ tay, phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, ở giữa 2 đường gân. Thần môn: chỉ cổ tay phía lòng bàn tay đầu xương quay (từ ngón út kéo xuống đến chỉ cổ tay). Túc tam lý: nằm ở bắp chân ngoài, dưới đầu gối 3 tấc, ngay tại đầu ngoài nếp nhăn ngang dưới đầu gối. Tam âm giao: trên mắt cá chân trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày. Phi dương: trên mắt cá ngoài chân 7 tấc. Thay đổi day bấm trong 1 tuần: các huyệt khúc trì, nội quan, thần môn day bấm trong 3 ngày sau đó chuyển sang day bấm huyệt túc tam lý, tam âm giao, phi dương trong 3 ngày là một đợt, nghỉ 1 ngày rồi tiếp đợt 2… |
Theo suckhoedoisong.vn Lương y Minh Chánh