Vảy nến là bệnh da liễu mạn tính do tự miễn, phổ biến ở nhiều người, gây ngứa ngáy và làm giảm thẩm mỹ. Vì vậy, tìm hiểu cách trị bệnh vảy nến tại nhà luôn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bệnh cũng như một số mẹo trị vảy nến đơn giản tại nhà trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao mắc vảy nến?

Vảy nến là bệnh ngoài da do tự miễn. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây vảy nến nhưng nhờ vào nghiên cứu thực nghiệm, họ tin rằng, vảy nến phát triển do sự suy yếu của hệ miễn dịch, kết hợp với nhiều yếu tố nguy cơ từ môi trường khác.

Sự rối loạn, suy yếu của hệ miễn dịch: Thông thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ không bảo vệ được cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh kể trên. Không những thế, khi đó, hệ miễn dịch sẽ nhận diện nhầm các tế bào da là “kẻ xâm lược” và sinh ra phản ứng phá hủy, tấn công chúng. Điều này làm đảo lộn chu trình hoạt động của các tế bào da. Thay vì chết sau 28 – 30 ngày được sinh ra, chúng lại chỉ sống 3 – 4 ngày. Sau khi chết, các tế bào da tiến lên bề mặt da và tích tụ lại, chồng chất lên nhau, gây viêm và gây ra những mảng tổn thương đỏ, sưng viêm, có vảy trắng và ngứa ngáy, đôi khi nứt nẻ, chảy máu. Đây là nguyên nhân chính hình thành nên bệnh vảy nến.

Ngoài ra, các yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

- Yếu tố di truyền, lịch sử gia đình: Theo khảo sát, khoảng 1/3 các trường hợp bị vảy nến có người thân cũng mắc bệnh này.

- Hút thuốc lá: Theo các chuyên gia, chất nicotine trong khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao gấp đôi ở những người thường xuyên hút thuốc.

- Uống quá nhiều rượu, bia: Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, những người thường xuyên uống rượu, bia có nguy cơ bị vảy nến cao hơn.

 Moi-lien-he-giua-ruou-bia-va-benh-vay-nen (1).png

Uống quá nhiều rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây bệnh vảy nến

- Tăng cân, béo phì.

- Lười vận động.

- Stress kéo dài: Căng thẳng kéo dài, thường xuyên do áp lực công việc, cuộc sống cũng có thể làm tăng nguy cơ bị vảy nến, nhất là ở những đối tượng đã có tiền sử gia đình mắc bệnh.

- Da bị tổn thương, trầy xước, cháy nắng: Một vết cắt, nhiễm trùng, cháy nắng hoặc gãi quá nhiều cũng có thể là yếu tố gây bệnh vảy nến.

- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể làm cho bệnh vảy nến bùng phát như: Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và các bệnh tâm thần khác, thuốc hạ huyết áp và điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc chống sốt rét, thuốc chống viêm,...

Các cách trị vảy nến tại nhà

Vảy nến là tình trạng mạn tính, do đó, những phương pháp điều trị chủ yếu nhằm làm giảm triệu chứng các đợt cấp, chứ chưa chữa khỏi bệnh hoàn toàn như: Thuốc bôi điều trị tại chỗ, thuốc uống hoặc tiêm, liệu pháp ánh sáng, chế phẩm sinh học,... Bên cạnh đó, một số mẹo bạn có thể áp dụng tại nhà dưới đây cũng có tác dụng giảm ngứa, vảy da hiệu quả:

Kem dưỡng ẩm: Người bị vảy nến thường bị khô da và nứt nẻ. Vì vậy, sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ có thể cấp ẩm cho da, giảm sưng đỏ và ngứa khá tốt. 

 kem-duong-am-cho-da-mun-nhay-cam.jpg

Kem dưỡng ẩm giúp làm dịu vùng vảy da

Giấm táo: Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định công dụng của giấm táo đối với bệnh vảy nến, đặc biệt là vảy nến da đầu. Bạn có thể cải thiện tình trạng ngứa, đau nơi vảy da bằng cách:

- Trộn giấm táo với nước sạch.

- Thoa trực tiếp lên da đầu, giữ nguyên trong khoảng 10 phút.

- Gội lại với nước.

Tắm nắng: Bạn có thể dành thời gian 5 - 10 phút mỗi ngày để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thay cho quang trị liệu bằng tia sáng nhân tạo. Tuy nhiên, bạn cần thoa kem chống nắng lên những vùng da lành để tránh cháy nắng, bởi điều này có thể kích hoạt vảy nến xuất hiện.

Tắm muối Epsom: Tính kháng khuẩn và chống viêm của loại muối này có thể giúp loại bỏ bớt vảy và làm dịu da rất tốt. Vì vậy, bạn có thể hoà một chút muối Epsom vào bồn với nước ấm. Ngâm mình khoảng 15 phút, sau đó tắm lại với nước sạch. Đừng quên lau khô người và thoa kem dưỡng ẩm, bạn nhé!

Capsaicin: Thành phần có trong ớt đỏ này đã được nghiên cứu với các công dụng như giảm đau, viêm và sưng. Bạn có thể tìm mua những kem bôi ngoài có chứa thành phần này để thoa một lớp mỏng lên các vùng vảy da. Tuy nhiên, nhiều người cũng gặp phải cảm giác kích ứng, bỏng, rát khi dùng loại kem này. Nếu gặp hiện tượng trên, bạn cần rửa sạch lại vùng da này với nước sạch và không tiếp tục sử dụng nữa.

Nghệ: Ngoài được biết đến như một gia vị của nhiều món ăn thì nghệ cũng là  một thảo mộc có tác dụng giảm đau, ngứa, kháng viêm tốt. Vì vậy, bạn có thể bổ sung nghệ trong chế biến thực phẩm hàng ngày. Hoặc sử dụng hỗn hợp bột nghệ với nước để thoa lên vùng da bị bệnh. 

Ngâm trong bột yến mạch: Đây là một biện pháp tự nhiên để làm dịu làn da của bạn, với cách thực hiện như sau:

- Hoà tan bột yến mạch mịn với nước ấm trong chậu hoặc bồn tắm.

- Ngâm cơ thể và thư giãn trong đó khoảng 15 phút.

- Tắm lại với nước sạch rồi lau khô người.