Thuốc chữa vảy nến là từ khóa được rất nhiều người tìm kiếm hiện nay. Bởi đây là phương pháp khắc phục nhanh các triệu chứng, mang lại hiệu quả cao và dễ dàng áp dụng. Vậy các loại thuốc chữa vảy nến hiện nay là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết, tham khảo ngay nhé!
Tại sao lại bị vảy nến?
Vảy nến là bệnh tự miễn xảy ra do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Theo ước tính, vảy nến ảnh hưởng đến khoảng 2 -3% dân số thế giới, tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn dao động từ 0,5 - 11,4%, với khoảng 125 triệu người mắc.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến. Tuy nhiên, họ tin rằng bệnh vảy nến được hình thành khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn.
Bình thường, hệ miễn dịch có chức năng phát hiện và tiêu diệt các thành phần ngoại lai như vi khuẩn, virus,... bảo vệ cơ thể khỏi mọi tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch suy yếu làm rối loạn chức năng của cả cơ thể. Điều này làm cho hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào biểu bì da khỏe mạnh, khiến chúng trở nên bất thường. Thay vì được sinh ra, chết đi sau 28 – 30 ngày, sau đó rơi ra ngoài cơ thể thì khi bị vảy nến, các tế bào da lại chết đi chỉ sau 3 – 4 ngày. Chúng chết đi liên tục và được nâng lên bề mặt da, không thể rơi ra ngoài nên tích tụ trên bề mặt da dẫn đến các tổn thương sưng, viêm, đỏ, có vảy trắng, ngứa ngáy và đôi khi nứt gây chảy máu.
Ngoài nguyên nhân bệnh vảy nến vừa kể trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh vảy nến, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Khoảng 33-50% trường hợp bị vảy nến sống trong gia đình có tiền sử mắc bệnh.
- Thời tiết lạnh, khô.
- Nhiễm vi khuẩn hoặc virus: Những người nhiễm HIV có nhiều nguy cơ mắc vảy nến da đầu hơn người khỏe mạnh. Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn cũng tiềm ẩn nguy cơ cao bị vảy nến da đầu.
- Uống nhiều rượu, bia.
- Tổn thương da.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét, hạ huyết áp, điều trị rối loạn nhịp tim,...
- Hút thuốc lá.
Các thuốc chữa vảy nến hiện nay
Trong điều trị vảy nến hiện nay, chế phẩm bôi ngoài da và thuốc uống được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp nhằm khắc phục nhanh các biểu hiện, đồng thời ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
Thuốc bôi tại chỗ
Dưới đây là một số thành phần thường có trong các chế phẩm sử dụng ngoài da cho người bị vảy nến:
- Dẫn chất của vitamin D: Các hoạt chất được tổng hợp từ vitamin D có khả năng làm chậm sự phát triển tế bào da, chẳng hạn như: Calcipotriene có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình, tuy nhiên chúng có thể gây kích ứng da của bạn. Calcitriol cũng là một dẫn chất của vitamin D, cho hiệu quả tương đương và ít gây kích ứng hơn calcipotriene.
- Retinoids tại chỗ: Đây là những dẫn xuất vitamin A có thể làm giảm viêm hữu hiệu nhưng dễ gây kích ứng, đặc biệt là làn da nhạy cảm. Bên cạnh đó, hoạt chất này làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời, vì vậy trong khi sử dụng, bạn hãy chú ý thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài.
- Thuốc ức chế calcineurin: Như tacrolimus và pimecrolimus, giúp giảm viêm và tích tụ vảy da. Hoạt chất này không được khuyến cáo sử dụng lâu dài hoặc liên tục vì tiềm ẩn nguy cơ ung thư da và ung thư hạch. Nhưng chúng khá hữu ích ở những vùng da mỏng, chẳng hạn như quanh mắt, nơi một số loại kem khác dễ gây hại.
- Axit salicylic: Có khả năng làm sạch, tăng cường bong vảy, do đó thường được kết hợp với các loại thuốc khác, chẳng hạn như corticosteroid hoặc nhựa than để tăng hiệu quả của nó. Axit salicylic khá phổ biến trong các loại dầu gội và dung dịch khác để điều trị bệnh vảy nến da đầu.
- Anthralin: Giúp làm chậm sự phát triển của tế bào da, đồng thời loại bỏ vảy và làm cho làn da mịn màng hơn. Tuy nhiên, anthralin có thể gây kích ứng da, và nó làm ố vàng các bề mặt mà chúng tác động. Nó thường được áp dụng trong một thời gian ngắn và sau đó rửa sạch.
- Nhựa than: Có khả năng hạn chế ngứa ngáy, giảm viêm nhiễm trên da. Tuy nhiên, thành phần này cũng có thể gây kích ứng da, mùi khó chịu và dễ làm bẩn quần áo. Ngoài ra, nhựa than không được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Thuốc điều trị toàn thân
Trong trường hợp các triệu chứng rất nặng hoặc không đáp ứng với các loại điều trị khác, bạn sẽ được chỉ định sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Do có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên một số loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và dùng xen kẽ với các hình thức điều trị khác.
- Retinoids đường uống: Nhóm thuốc này có thể giúp ích nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Nhưng trên thực tế, bạn sẽ bị rụng tóc khi dùng lâu dài hoạt chất này, đồng thời chúng có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nên phụ nữ mong muốn mang thai phải ngưng sử dụng thuốc ít nhất 3 năm.
- Methotrexate: Là hoạt chất giúp giảm sản xuất tế bào da và ức chế phản ứng viêm trong cơ thể. Nó cũng có thể làm chậm sự tiến triển của viêm khớp vảy nến ở một số người. Tuy nhiên, methotrexate có thể gây kích ứng dạ dày, cơ thể mệt mỏi, nếu dùng lâu dài còn gây tổn thương gan nghiêm trọng và giảm sản xuất tế bào máu.
- Cyclosporine: Đây là một trong những thành phần có tác dụng ức chế miễn dịch khá tốt, nhưng cũng chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, bởi chúng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề về thận, huyết áp và cả u bướu.
- Liệu pháp sinh học: Đây là phương pháp ra đời sau cùng nhưng được đánh giá là có hiệu quả cao đối với bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng. Các hoạt chất thường được sử dụng bao gồm: Etanercept, infliximab, adalimumab,... Nhóm thuốc này cần sử dụng một cách thận trọng vì chúng có tác động mạnh đến hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ bội nhiễm.