Vẩy nến thể mủ là một trong những thể nặng nhất của bệnh vẩy nến. Bệnh có thể xuất hiện tiên phát hoặc thứ phát sau khi bệnh nhân đã mắc một bệnh vẩy nến thể nhẹ khác.
Vẩy nến thể mủ
Vẩy nến thể mủ được chia thành hai nhóm dựa vào hình thái lâm sang: đó là vẩy nến thể mủ khu trú và vẩy nến thể mủ lan tỏa. Vẩy nến thể mủ khu trú thường giới hạn ở long bàn chân, lòng bàn tay. Còn với vẩy nến thể mủ lan tỏa, thương tổn thường lan rộng ra toàn thân, có thể de dọa đến tính mạng. Bệnh thường biểu hiện ban đầu bằng cơn sốt nhẹ kéo dài một ngày hoặc lâu hơn, sau đó bắt đầu có sự thay đổi trên da, ban đầu là đau rát ở vùng da sắp xuất hiện thương tổn, sau đó là dát đỏ, phù nề, trên có những mụn mủ vô khuẩn, toàn thân sốt cao, mệt mỏi. Bệnh nhân sốt cao có thể đến 40 độ, nhức đầu, thể trạng suy sụp. Các dát đỏ xuất hiện đột ngột, vùng da bị bệnh trở nên đỏ, căng và phù nề. Thương tổn lan tỏa nhanh thành các đám rộng và có thể lan ra toàn thân thành vẩy nến thể đỏ da toàn thân. Vị trí tổn thương hay bị nhất là các vùng nếp gấp, vùng sinh dục. Trên nền dát đỏ xuất hiện các mụn mủ kích thước nhỏ, nông, màu trắng sữa. Sau vài ngày mụn mủ xẹp, chuyển sang bong vảy. Ngoài ra vẩy nến thể mủ còn ảnh hưởng đến khớp, viêm khớp là thương tổn hay gặp trong vẩy nến thể mủ cả cấp tính và mạn tính, móng trở nên dày, đặc biệt là tình trạng làm mủ dưới móng và tách móng.
Hình ảnh minh họa bệnh vẩy nến thể mủ
Điều trị vẩy nến thể mủ
Về việc điều trị vẩy nến, các bác sĩ thường chỉ định steroids toàn thân để điều trị cho những bệnh nhân vẩy nến thể mủ nặng có kèm theo viêm khớp. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng chỉ tạm thời, ngoài ra thuốc có liên quan đến khởi phát vẩy nến thể mủ, đặc biệt là khi ngừng điều trị thì bệnh tái phát càng nặng hơn nên phải rất thận trọng khi sử dụng và cần sự theo dõi của thầy thuốc. Điều trị bằng methotrexat và một số thuốc ức chế miễn dịch khác thường cho kết quả chậm, nhưng tiên lượng lâu dài tốt hơn so với dùng steroids vì khi dừng dùng thuốc methotrexat bệnh vẫn có thể tái phát, nhưng không thấy hiện tượng tăng nặng như dùng các steroids. Mỗi thuốc điều trị VNTM đều có những ưu điểm và hạn chế. Mức độ nặng và đáp ứng với điều trị là khác nhau ở từng BN. Hiểu biết về hiệu quả và phản ứng phụ của các thuốc trước khi bắt đầu điều trị là rất cần thiết.
Chính vì vẩy nến thể mủ là một thể đặc biệt (thể nặng), diễn biến lâm sàng phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nên để nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tái phát, cần phải nắm vững các nguyên tắc chẩn đoán, đánh giá được mức độ bệnh và điều trị bệnh, lựa chọn đúng loại thuốc, liều lượng theo mức độ nặng của bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần có tâm lý thoải mái, chung sống hòa bình với bệnh, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ cũng là yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi bệnh tật.