Lần đầu tiên ở Việt Nam, phương pháp này được áp dụng tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội từ tháng 6. Theo đó, bệnh nhân sẽ được chiếu tia cực tím, kết hợp uống thuốc Psoralen. Quang hoá trị liệu cho phép điều trị tổn thương da lan rộng (khó bôi thuốc trên một diện tích lớn như vậy) và duy trì hiệu quả lâu dài.
Bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh mạn tính, tồn tại suốt đời nên tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ (trừ một số thể nặng, nguy hiểm) nhưng vẫn gây khó chịu và tạo áp lực tâm lý nặng nề cho người bệnh.
Căn nguyên gây bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khẳng định một số trường hợp có yếu tố gia đình. Tình trạng nhiễm khuẩn, stress, rối loạn nội tiết và việc dùng một số thuốc có thể làm bệnh khởi phát hoặc nặng lên.
Từ trước tới nay, tại Việt Nam, vảy nến được điều trị bằng cách dùng thuốc tại chỗ hoặc toàn thân; nhiều bệnh nhân dùng Đông dược. Tất cả đều cho hiệu quả rất thấp và chậm; bệnh lại tái phát chỉ sau vài tuần ngừng thuốc. Việc thường xuyên phải bôi thuốc trên da, chịu đựng tình trạng mất thẩm mỹ và khó chịu khiến cho bệnh nhân luôn cảm thấy buồn bực, căng thẳng và điều này lại ảnh hưởng xấu đến bệnh.
Hình ảnh minh hoa da bị tổn thương do vẩy nến
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội mới áp dụng quang hoá trị liệu (PUVA) trong điều trị vảy nến - một phương pháp được dùng phổ biến trên thế giới từ nhiều năm nay và cho hiệu quả tối ưu đối với bệnh này. Bác sĩ Phạm Thị Hương, khoa Da liễu, cho biết, PUVA tuy không chữa khỏi hẳn vảy nến nhưng có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi những triệu chứng khó chịu của nó trong khoảng thời gian dài hơn (cụ thể tuỳ cơ địa từng người, có trường hợp sau vài năm mới phải trở lại bệnh viện). PUVA có tác dụng nhanh và cải thiện đáng kể tình trạng bệnh so với các phương pháp khác nhờ ngăn cản quá trình tăng sinh vảy và ức chế các dị nguyên (thủ phạm gây các bệnh da dị ứng). Do không phải bôi thuốc, bệnh nhân tránh được cảm giác khó chịu và tình trạng kích ứng da do cản trở hô hấp.
Điều trị bằng quang hoá trị liệu
Việc điều trị bằng quang hoá trị liệu được áp dụng khi có đợt bệnh phát. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân sẽ uống thuốc Psoralen để tạo cảm ứng ánh sáng rồi mới chiếu tia. Số lần chiếu tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương của từng người; thông thường là 2-3 lần/tuần để điều trị tấn công và 1 lần/tuần để điều trị duy trì; mỗi giai đoạn như vậy kéo dài khoảng 2 tháng.
Bác sĩ Hương cũng cho biết, trong khi chiếu tia, bệnh nhân cần đeo kính bảo vệ mắt. Không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng giữa các lần điều trị hay tự ý dùng các thuốc chữa vảy nến khác. Nếu đi khám vì các bệnh khác, cần cho bác sĩ biết là bạn đang được điều trị bằng tia cực tím. Để tránh tác dụng phụ do lạm dụng tia cực tím, không nên chiếu quá 100 lần/năm.
Phương pháp PUVA có thể áp dụng cho mọi trường hợp vảy nến, nhất là những người không đáp ứng với các cách điều trị thông thường. Tuy nhiên, những người suy gan, suy thận, đục thuỷ tinh thể không được áp dụng PUVA.
PUVA không những chỉ mang lại kết quả khả quan cho bệnh nhân vảy nến mà còn có hiệu quả cao đối với các bệnh về da khác như á vảy nến thể giọt và thể mảng, rụng tóc thành đám, chàm cơ địa, viêm da thần kinh, sẩn ngứa nội sinh và ngoại sinh, bạch biến...