Vướng bệnh nào cũng khổ nhưng nếu so sánh một cách tương đối thì vảy nến là bệnh ngoài da đứng đầu về mức độ gây khó chịu cho bệnh nhân, không chỉ vì ngứa ngáy liên hồi mà vì hình ảnh mất vệ sinh của lớp vảy trắng rơi lả tả khắp nơi

Bệnh sở dĩ có tên là vảy nến vì da ở đầu, đùi, cánh tay, khuỷu tay, nhượng chân, lưng... trở nên sần sùi và đóng vảy khô từng mảng. Khổ hơn nữa là bệnh thường xuất hiện ở người trẻ, tuổi từ 15 đến 25, là lứa đang cần làm dáng. Cho nên, không lạ gì khi tỉ lệ trầm cảm rất cao ở người bị vảy nến do hậu quả của nhiều ngày lo buồn, chán nản. Đã thế, nguyên nhân của bệnh lại đa dạng khó lường.

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vẩy nến nhưng nhiều thầy thuốc hiện đang có khuynh hướng trở về với “dinh dưỡng liệu pháp” nhằm dùng hoạt chất dễ dung nạp trong thực phẩm thay vì tác chất dễ gây hại trong dược phẩm. Các nhà nghiên cứu về bệnh vảy nến vì thế đã khuyên bệnh nhân nên mạnh miệng với:

- Cá biển loại có nhiều 3-Omega như cá hồi, cá thu, cá sa ba. Kết quả nghiên cứu cho thấy với 150 g cá mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục, có thể ức chế các chất sinh viêm trong bệnh vảy nến.

- Rau quả có nhiều beta-caroten như trái bơ, cà rốt và nhất là xoài để bảo vệ cấu trúc mong manh của da.

9ebaacd3-262c-45dd-96a7-be5aafcbbc69 (1).jpg

Cà rốt rất tốt để cải thiện bệnh vẩy nến 

- Mè đen, vì chúng vừa chứa dầu béo có cấu trúc tương tự 3-Omega vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho tiến trình tổng hợp lớp sợi liên kết dưới da.

- Bông cải xanh để bổ sung acid folic cần thiết cho phản ứng tổng hợp kháng thể. Chất này rất dễ thiếu trong người bị bệnh vảy nến.

- Nghêu, sò nhằm cung ứng kẽm, khoáng tố tối cần thiết cho sức đề kháng. Người bị vảy nến không nên có định kiến với hải sản. Nếu dị ứng tất nhiên phải tránh nhưng đa số người bệnh vẩy nến lại không gặp trục trặc với tôm, cá.

Mặt khác, người bệnh vảy nến nên nói không với các món sau đây khi bệnh đang phát tán: Thịt, sữa, trứng (vì chứa nhiều chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy không chỉ ngoài da mà trong khớp, trên thần kinh ngoại biên); rượu, bia (vì độ cồn là đòn bẩy cho phản ứng phóng thích các loại chất đạm sinh dị ứng.

Hơn nữa, khả năng giải độc rượu của gan suy giảm rất nhiều ở người bị vảy nến. Với cùng một lượng rượu nhưng độ cồn trong máu của người bệnh vảy nến bao giờ cũng cao tối thiểu gấp đôi nếu so với người không bệnh).


Nguồn: Người lao động