Chăm sóc da là việc làm hết sức cần thiết đối với những người bị vảy nến, giúp giảm cảm giác ngứa ngáy, đau rát tại vùng da tổn thương. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chăm sóc cho làn da bị vảy nến của mình. Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng như vậy thì hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chưa được tìm ra chính xác nhưng các nhà khoa học tin rằng, bệnh được hình thành khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn. Bình thường, hệ miễn dịch là “hàng rào” bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus,... Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn thì không những không bảo vệ được cơ thể mà đặc biệt là nhận diện nhầm những tế bào của cơ thể là tác nhân lạ, do đó sinh ra phản ứng tấn công, phá hủy chúng. Trong bệnh vảy nến, đó là các tế bào da. Điều này khiến các tế bào da bị rút ngắn thời gian sống, chết đi quá nhanh, quá trình chết tế bào cũng vì thế mà bị rối loạn. Các tế bào da chết tích tụ lại tạo thành mảng vảy nến.
Hệ miễn dịch suy yếu là nguyên nhân gây vảy nến
Triệu chứng của bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có nhiều loại, bao gồm: Vảy nến thể mảng, thể giọt, thể đảo ngược, thể mụn mủ, đỏ da toàn thân, vảy nến thể móng và thể khớp,… Tuỳ từng dạng mà có những triệu chứng đặc trưng khác nhau, cụ thể như:
- Vảy nến thể mảng: Da xuất hiện các mảng tổn thương từ 2 – 20 cm, có vảy trắng, sưng viêm, ngứa ngáy và thường tập trung ở vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,…
- Vảy nến thể giọt: Các tổn thương trên da đỏ, sưng viêm, có vảy trắng bao phủ tập trung ở cánh tay, chân hoặc lan ra toàn thân.
- Vảy nến thể mủ: Xuất hiện các đám mụn đầu mủ trắng trên nền da viêm đỏ, tập trung ở bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân.
- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương da màu đỏ tươi, mịn, không có vảy, xuất hiện ở các nếp gấp da như nách, háng, lớp da dưới ngực,...
- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân đỏ rộp, có lớp vảy trắng bao phủ đi kèm triệu chứng sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,...
- Vảy nến thể khớp: Khớp bị vảy nến tấn công sẽ sưng, viêm và đau, tấy đỏ.
- Vảy nến thể móng: Móng chân, tay bị sần sùi, đổi màu, biến dạng, thậm chí mất móng.
Vảy nến thể móng khiến móng sần sùi, biến dạng
Hướng dẫn cách chăm sóc da cho người bị vảy nến
Khi kết hợp song song việc điều trị và chăm sóc da đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh vảy nến. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc da bạn có thể tham khảo:
Giữ ẩm cho da
Bong tróc, sần sùi, khô da là những biểu hiện đặc trưng của bệnh vảy nến. Để khắc phục tình trạng này, người mắc nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để cân bằng độ ẩm cho những vùng da bị tổn thương. Việc dưỡng ẩm nên được tiến hành ngay sau khi tắm xong để làm giảm hiện tượng kích ứng.
Việc lựa chọn loại kem dưỡng ẩm cho da cần dựa vào mức độ thích hợp và tình trạng vảy nến của từng người. Tốt nhất, nên lựa chọn những sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần thiên nhiên sẽ giúp da thích ứng tốt. Không nên sử dụng các sản phẩm có mùi quá mạnh. Ngoài ra, trong những ngày hanh khô, nên sử dụng máy làm ẩm để tránh da bị bong tróc, nứt nẻ.
Ngâm mình trong nước ấm
Ngâm cơ thể trong nước ấm sẽ giúp cho các tĩnh mạch giãn ra và lưu thông máu tốt hơn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp loại bỏ những mảng da chết bám ngoài da. Vì vậy, mỗi ngày nên dành khoảng 15 phút để ngâm mình trong bồn tắm với nước ấm khoảng 27 độ C.
Lưu ý chỉ nên ngâm mình ở nước ấm vừa phải, bạn có thể thêm tinh dầu, bột yến mạch, muối Epsom vào bồn tắm để giúp cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến hiệu quả. Khi ngâm mình bằng nước ấm nên kết hợp massage nhẹ nhàng để làm sạch những mảng bám ngoài da. Trong khi tắm, không nên chà xát da hoặc gãi mạnh, tránh làm cho vết thương ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Tắm nắng nhẹ nhàng
Ánh sáng mặt trời nhẹ có thể làm chậm sự phát triển của tế bào da và hạn chế vảy nến lan rộng, xoa dịu cảm giác khó chịu, đồng thời kích thích tế bào da tăng cường phục hồi sau tổn thương. Do đó, bạn nên tắm nắng 2 -3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.
Chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng từ 5h30 - 8h và đừng quên sử dụng kem chống nắng cho làn da để tránh bị tổn thương.
Hạn chế cào gãi, chà xát mạnh da khi bị vảy nến
Một trong những cách chăm sóc vùng da bị vảy nến cần được lưu ý đó là không cào gãi, chà xát mạnh vùng tổn thương. Khi bị vảy nến, người mắc luôn cảm thấy ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, chính vì vậy, họ thường gãi, chà xát da. Tuy nhiên, đây là việc làm không hề có lợi cho làn da, không những thế điều này còn giúp tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế để hạn chế tình trạng này nên cắt ngắn móng tay, cố gắng không nghĩ đến việc gãi ngứa, hoặc làm những công việc khác để tạm thời quên đi cảm giác khó chịu khi bị vảy nến.