Vảy nến là bệnh mạn tính, điều trị rất khó khăn. Nhưng nếu được kiểm soát sớm, người bệnh sẽ lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Vậy triệu chứng của bệnh vảy nến là gì, làm thế nào để kiểm soát tốt các biểu hiện và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả, an toàn? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời chi tiết nhất. Mời bạn theo dõi!

Triệu chứng của bệnh vảy nến ra sao?

Các mảng khô, dày và nổi lên trên da là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh vảy nến. Tuy nhiên, có rất nhiều thể vảy nến khác nhau, mỗi loại sẽ có triệu chứng riêng biệt. Do đó, nhận diện chính xác triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn có phương án điều trị phù hợp. Chúng bao gồm:

- Bệnh vảy nến mảng bám (vảy nến thể mảng): Khoảng 80% - 90% những người bị vảy nến phát triển loại bệnh này. Khi bệnh vảy nến mảng bám xuất hiện, bạn có thể thấy: Các mảng da dày, nổi lên gọi là mảng bám; có vảy bong tróc trên những tổn thương; da bị sưng, viêm, đỏ, ngứa rát. Mảng bám thường hình thành trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối hoặc lưng dưới.

- Bệnh vảy nến thể giọt: Khi mắc loại bệnh vảy nến này, bạn thường thấy những vết sưng nhỏ xuất hiện trên da khá đột ngột. Các vết sưng có xu hướng bao phủ phần lớn thân, chân và cánh tay. Đôi khi, những vết này cũng phát triển trên mặt, da đầu và tai. Bất kể chúng xuất hiện ở đâu, các tổn thương này có đặc điểm là đỏ, thấy vảy trắng.

- Bệnh vảy nến đảo ngược: Loại vảy nến này phát triển ở những nếp gấp da như nách, bộ phận sinh dục và nếp nhăn của mông. Triệu chứng của vảy nến loại này là da có các mảng mịn, đỏ tươi, đau rát,…

- Bệnh vảy nến mủ: Loại vảy nến này gây ra các mụn có mủ trắng, kèm theo đau rát. Nó thường chỉ xuất hiện ở bàn chân và bàn tay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nó lan ra toàn thân – Đây là tình trạng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng, bởi người bệnh có thể sốt, ớn lạnh,…

- Bệnh vảy nến toàn thân: Đây là loại vảy nến nghiêm trọng nên người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Triệu chứng của loại vảy nến này là: Da trên phần lớn cơ thể đỏ rát, giống như bị cháy; ớn lạnh, sốt và ốm yếu; yếu cơ, mạch nhanh, ngứa dữ dội; hạ thân nhiệt,…

- Bệnh vảy nến thể móng: Nhiều người nghĩ rằng, vảy nến chỉ xuất hiện ngoài da, nhưng trong một số trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến móng, khiến móng bị đổi màu thành trắng đục hoặc vàng nhạt; bề mặt móng bị rỗ; thậm chí móng bong ra.

- Viêm khớp vảy nến: Nếu bạn bị vảy nến, điều quan trọng là phải chú ý đến các khớp. Một số người còn phát triển cả viêm khớp vảy nến. Điều này có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng. Vảy nến khớp có thể khiến một hoặc nhiều khớp bị sưng, tấy đỏ, đau,…

vay-nen-the-mang-2 (1).jpg

Hình ảnh triệu chứng bệnh vẩy nến 

Làm thế nào để kiểm soát và ngăn ngừa vảy nến tái phát?

Bệnh vảy nến hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị giúp giảm viêm, hạn chế bong tróc vảy, làm chậm sự phát triển của các tế bào da và loại bỏ các mảng bám. Chúng bao gồm:

Điều trị tại chỗ

Kem và thuốc mỡ bôi trực tiếp lên da có thể hữu ích để giảm bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình. Điều trị bệnh vảy nến tại chỗ sử dụng các loại thuốc như: Corticosteroid tại chỗ, retinoids tại chỗ, anthralin, chất tương tự vitamin D, axit salicylic, kem dưỡng ẩm,…

Thuốc toàn thân

Những người bị bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng và không đáp ứng tốt với các loại điều trị khác, có thể cần sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Những loại thuốc này có tác dụng phụ nghiêm trọng nên các bác sĩ thường kê đơn cho họ trong thời gian ngắn. Các thuốc này bao gồm: Methotrexate, cyclosporine, thuốc sinh học, retinoids,…

Liệu pháp ánh sáng

Phương pháp điều trị bệnh vảy nến này sử dụng tia cực tím (UV) hoặc ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng mặt trời giết chết các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức, từ đó ngăn ngừa sự tấn công các tế bào da khỏe mạnh và tránh gây ra sự phát triển nhanh chóng của tế bào. Cả ánh sáng UVA và UVB có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình.

Thay đổi lối sống khoa học, lành mạnh

Bên cạnh việc dùng thuốc, giới chuyên gia khuyên người bị vảy nến nên:

- Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, béo phì, giảm cân có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến. Giảm cân cũng giúp phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

- Ăn một chế độ ăn có lợi cho tim: Người bệnh cần giảm lượng chất béo bão hòa thông qua tăng cường tiêu thụ lượng protein nạc có chứa axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi và tôm; thực vật giàu omega-3 bao gồm quả óc chó, hạt lanh và đậu nành,… Ngoài ra, nên tránh những  thực phẩm gây viêm như: Thịt đỏ, rượu, bia, đường tinh luyện, đồ ăn chế biến sẵn, sữa....

- Giảm căng thẳng: Stress là một tác nhân gây bệnh vảy nến phổ biến. Hãy học cách quản lý và đối phó với căng thẳng để giúp bạn giảm các cơn bùng phát cũng như triệu chứng vảy nến. Bạn hãy thử những điều sau để giảm căng thẳng: Thiền, viết nhật ký, yoga, nghe nhạc,…