Vẩy nến là một trong những bệnh chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp khám da liễu trên thế giới và ở Việt Nam, tỷ lệ đó còn cao hơn, khoảng 10%. Bệnh biểu hiện là những mảng da đỏ phủ lớp vẩy màu bạc, dễ bong, có thể gây ngứa, đau, nhiều khi khô, nứt da, có thể chảy máu. Bất cứ ai, kể cả da trắng hay da màu, nam giới hay phụ nữ cũng đều có thể mắc bệnh vẩy nến.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh vẩy nến
Bất cứ ai cũng có thể bị mắc bệnh vẩy nến, nhưng có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người có nhiều trong số những yếu tố sau là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:
- Tiền sử gia đình: là yếu tố quan trọng nhất. Các trường hợp mắc bệnh vẩy nến thường có tính chất gia đình. Nếu cha hoặc mẹ có mắc bệnh vẩy nến thì tỷ lệ con mắc bệnh là 8%, còn nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ở con lên tới 41%.
- Nhiễm virus và vi khuẩn: những người có nhiễm HIV có nhiều khả năng phát triển bệnh vẩy nến hơn những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trẻ em bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần, đặc biệt là nhiễm trùng cổ họng, cũng có thể có nguy cơ cao mắc vẩy nến.
- Stress: căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, stress nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến.
Stress nhiều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến
- Béo phì: cân nặng quá cao làm tăng nguy cơ của bệnh vẩy nến. Các mảng da bệnh trong các loại bệnh vẩy nến thường phát triển ở nếp nhăn và nếp gấp của da.
- Hút thuốc: hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến mà còn có thể làm nặng thêm mức độ của bệnh. Hút thuốc cũng có thể có vai trò trong sự khởi phát của bệnh.
Như vậy đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh vẩy nến là khi tiền sử trong gia đình có người đã mắc bệnh này, hay mắc các bệnh nhiễm trùng, bị stress, béo phì và hút thuốc. Nếu bạn có những yếu tố trên, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng tránh bằng cách loại trừ các yếu tố như stress, béo phì, hút thuốc bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, điều đó sẽ giúp giảm nguy cơ bị bệnh xuống mức thấp nhất.