Đến nay cơ chế phát sinh và những yếu tố làm bệnh dai dẳng vẫn đang được nghiên cứu. Nhiều tác giả cho rằng vảy nến là bệnh do rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền.
Triệu chứng bệnh vẩy nến
Thương tổn của bệnh vảy nến đa dạng, ngoài thương tổn da, còn có thương tổn niêm mạc, móng và khớp xương. Hiện nay, do sử dụng thuốc không phù hợp nên hình ảnh lâm sàng thay đổi, nhiều khi khó chẩn đoán.
Vẩy nến thể thông thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh vẩy nến nói chung tồn tại dai dẳng suốt đời và bùng phát từng đợt. Vì vậy, phải có chiến lược điều trị lâu dài và phù hợp. Điều trị bệnh vảy nến gồm hai giai đoạn: Giai đoạn tấn công có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hoặc phối hợp cả hai nhằm xoá sạch tổn thương. Giai đoạn duy trì kết quả đạt được, tức là áp dụng các biện pháp nhằn kéo dài thời gian ổn định hay nói khác là hạn chế sự bùng phát của bệnh. Phải tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về bệnh vảy nến để phối hợp với thày thuốc khi điều trị tấn công cũng như dự phòng bệnh bùng phát.
Hình ảnh thương tổn da của bệnh vẩy nến
Thuốc điều trị vẩy nến
Điều trị tại chỗ chủ yếu là các phương pháp làm bạt sừng, bong vảy, khử oxy và chống viêm như dùng: mỡ goudron; anthralin, dithranol (anaxeryl); mỡ salicylic 5%, mỡ calcipotriol (Daivonex, Daivobet); mỡ vitamin A axít; kẽm oxýt; UVB, UVA, UVB- NB, PUVA…
Điều trị toàn thân bằng các thuốc vitamin A axit (soriatane), methotrexat, cyclosporin A. Các thuốc này có hiệu quả nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như: có thể gây quái thai, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu...Vì vậy, phải thận trọng khi chỉ định và phải theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị. Một số chất sinh học đang đựơc nghiên cứu và áp dụng điều trị bệnh vảy nến có hiệu quả như: etanercept, alefacept, infliximab... Các vitamin B12, C từ lâu cũng được sử dụng để điều trị vẩy nến, có lẽ chúng có vai trò nâng cao thể trạng và tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ quá trình lành bệnh.
Corticoid sử dụng điều trị bệnh vảy nến:
Corticoid dùng bôi ngoài da sử dụng điều trị vảy nến có nhiều loại dưới dạng đơn chất hoặc phối với hoạt chất khác, như với a. salicylic (Diprosalic, Beprosalic) hoặc với calcipotriol (Daivobet). Corticoid bôi ngoài da có thể dùng điều trị tấn công bệnh vảy nến. Thuốc có ưu điểm làm thương tổn nhanh được cải thiện, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, dễ chấp nhận. Bởi vì thuốc làm giảm viêm, giảm đỏ và giảm bong vảy da nhanh. Nhưng sự cải thiện này duy trì không bền. Mặt khác sau khi ngừng thuốc bệnh sớm bùng phát trở lại, khi đó sử dụng lại corticoid tại chỗ sẽ không thấy có hiệu quả. Nhiều trường hợp dùng corticoid tại chỗ kéo dài thấy xuất hiện thương tổn nhiễm trùng da như mụn mủ, viêm nang lông; nhiễm nấm; mọc lông; giãn mạch và teo da; đặc biệt ở những vùng da mỡ (mặt, ngực, lưng) thấy xuất hiện nhiều mụn trứng cá. Dùng corticoid bôi ngoài da kéo dài sẽ thấy thương tổn không đáp ứng với thuốc, bệnh không giảm, thậm trí còn tiến triển nặng thêm.
Corticoid bằng đường toàn thân chỉ nên sử dụng điều trị bệnh vảy nến nặng và khi thật sự cần thiết (vảy nến khớp, vảy nến thể mủ toàn thân). Cần phải cân nhắc kỹ lợi/hại trước khi chỉ định và phải tính toán liều lượng sử dụng ban đầu thấp nhất có hiệu quả để có thể rút gắn được quá trình giảm liều và ngừng thuốc, tránh tình trạng phụ thuộc thuốc. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, khi thuốc có tác dụng, bệnh giảm thì bắt đầu hạ liều từ từ. Không nên lạm dụng trong chỉ định, đặc biệt là sử dụng kéo dài corticoid bằng đường toàn thân sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc. Nhưng biến chứng thường gặp trên lâm sàng do sử dụng corticoid toàn thân là: thương tổn ngoài da nặng thêm, tổn thương cũ lan rộng, phát thêm nhiều thương tổn mới tiến tới gây đỏ da toàn thân. Nhiều trường hợp vảy nến thể thông thường sau khi dùng corticoid toàn thân đã chuyển thành vảy nến thể mủ toàn thân. Những biểu hiện khác đó là giãn mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá, tăng huyết áp, teo cơ, rậm lông, tích nước gây phù nề, nhiễm trùng da thậm chí gây nhiễm trùng máu. Nhiều trường hợp khó chẩn đoán do thương tổn cơ bản của bệnh vẩy nến bị biến đổi. Những thay đổi về sinh hoá, huyết học như: giảm protit máu, giảm kali máu, tăng đường máu; suy giảm miễn dịch, thay đổi nội tiết như suy thượng thận, ở phụ nữ gây rối loạn kinh nguyệt, loãng xương. Nhưng năm gần đây, Viện Da liễu Quốc gia tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân đỏ da toàn thân vảy nến và vảy nến thể mủ toàn thân vào điều trị nội trú. Phần lớn những bệnh nhân này trước đó bị bệnh vảy nến thể thông thường với những thương tổn da rải rác hoặc khu trú. Bệnh tiến triển nặng và xuất hiện những biến chứng sau khi được sử dụng corticoid toàn thân (tiên K-cort, uống prednisolon…) hoặc sử dụng thuốc nam không rõ thành phần và nguồn gốc. Những trường hợp này khó điều trị, mất nhiều thời gian và tốn kém tiền của.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Nhưng thày thuốc có một chiến lược điều trị thích hợp cùng với việc tư vấn cho bệnh nhân tuân thủ các chỉ định điều trị và có một chế độ sinh hoạt điều độ thì có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.