Vẩy nến là bệnh tự miễn do rối loạn hệ thống miễn dịch mà biểu hiện đặc hiệu ở cơ quan thượng bì, dẫn đến những triệu chứng ở bên ngoài da. Bệnh gặp ở mọi giới, mọi lứa tuổi, nam thường mắc nhiều hơn nữ. Bệnh chiếm từ 1-4% dân số thế giới.
Ở Việt Nam ước tính có khoảng 2,5 triệu người đang phải sống với căn bệnh này (chiếm khoảng 3% dân số). Những năm gần đây, số người mắc bệnh vẩy nến ngày một gia tăng. Bệnh phát từng đợt, thường xuyên tăng giảm theo mùa.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh vẩy nến là các mảng bám trên da. Đó là các mảng màu hồng, bên trên là những lớp tế bào da chết, khi gãi hoặc cạo thì bong ra những mảng màu trắng, vụn như sáp nến. Bệnh vẩy nến không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những người mắc bệnh này thường có cảm xúc bối rối, xấu hổ và thường là che giấu làn da mắc bệnh của mình để tránh dị nghị của mọi người xung quanh. Do bệnh vẩy nến còn bị nhầm lẫn sang các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh phong, giang mai, thậm chí cả HIV/AIDS nên nhiều bệnh nhân vẩy nến có thể bị trầm cảm, thất vọng làm cho quá trình điều trị càng thêm khó khăn.
Vẩy nến thể mảng
Việc điều trị vẩy nến hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào. Thông thường bệnh nhân được các bác sĩ kê cho uống thuốc làm ức chế miễn dịch và các thuốc bôi ngoài da. Các thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, cyclosporin...tỏ ra hiệu quả đối với bệnh vẩy nến, nhưng thường làm cho bệnh nhân mệt mỏi, khó chịu, ăn ngủ kém, đồng thời có khả năng làm suy giảm chứng năng gan, thận. Ngoài ra các thuốc trên còn có nguy cơ làm cho bệnh bị tái phát nặng hơn. Các thuốc bôi như: acid salicylic, kẽm...có tác dụng làm mềm da, bong vảy, bớt ngứa, nhưng chủ yếu chỉ làm giảm được triệu chứng của bệnh. Vì vậy mục tiêu điều trị hiện nay là phương pháp an toàn, hiệu quả, không độc hại khi đẩy lùi vẩy nến lâu dài.