Vẩy nến là bệnh ngoài da mạn tính, gây đau đớn và mang lại phiền toái cho người bệnh. Dưới đây là những quan niệm về bệnh mà không ít người còn nhầm lẫn.
Những quan niệm về bệnh vẩy nến bạn cứ nghĩ là đúng mà chẳng đúng tẹo nào!
Bệnh vẩy nến ảnh hưởng đến khoảng 2,6% dân số Hoa Kỳ, tương đương khoảng 7,5 triệu người. Còn ở Việt Nam, số người bị vẩy nến là 2,5 triệu người. Toàn thế giới hiện có khoảng 125 triệu người bị bệnh. Vẩy nến đặc trưng bởi các mảng da bị sưng đỏ, có vẩy trắng. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là một chứng rối loạn da. Vì lợi ích của những người đang phải sống chung với căn bệnh này, hãy làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm.
#1. Bệnh vẩy nến có thể lây lan
Bệnh vẩy nến không lây nhiễm. Bạn không thể bị bệnh khi tiếp xúc người đã mắc bệnh, ngay cả khi bạn chạm vào da của họ trực tiếp, ôm họ, hôn họ, hoặc chia sẻ thức ăn với họ.
#2. Bệnh vẩy nến chỉ là tình trạng da
Bệnh vẩy nến thực sự là một bệnh tự miễn dịch. Các bác sĩ lâm sàng tin rằng, tình trạng này do hệ thống miễn dịch bị trục trặc làm cho cơ thể bắt đầu sản sinh tế bào da nhanh hơn bình thường. Bởi vì các tế bào da không có đủ thời gian để rơi ra, chúng tích tụ thành các mảng bám, đây là triệu chứng điển hình của bệnh vẩy nến.
Hình ảnh bệnh vẩy nến
#3. Bệnh vẩy nến có thể chữa được
Bệnh vẩy nến thực sự là một tình trạng suốt đời và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh thường bùng phát thành đợt chứ không liên tục, có nhiều thời điểm, tình trạng bệnh rất tồi tệ nhưng có những thời điểm lại không.
#4. Bệnh vẩy nến không thể chữa được
Vẩy nến có thể không chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng triệu chứng bệnh có thể được điều trị. Phương pháp điều trị có ba mục tiêu: Ngăn chặn sự sinh sản tế bào da quá nhanh, làm dịu ngứa, viêm và loại bỏ tế bào da chết dư thừa ra khỏi cơ thể. Cho dù điều trị bằng cách nào thì phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: Liệu pháp ánh sáng, thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống hoặc tiêm.
#5. Tất cả bệnh vẩy nến đều giống nhau
Có nhiều thể bệnh vẩy nến, bao gồm: Vẩy nến thể mủ, thể giọt, đỏ da toàn thân, thể móng, thể đảo ngược, thể mảng bám. Trong các loại bệnh này, phổ biến nhất là bệnh vẩy nến mảng bám, đặc trưng bởi các mảng da màu đỏ có các lớp da chết tạo thành vẩy trắng bên trên, kèm theo ngứa ngáy, đau rát.
#6. Vẩy nến chỉ là bệnh gây thương tổn trên da
Những ảnh hưởng của bệnh vẩy nến không chỉ là vẩy trên da mà nó còn có thể gây đau và ngứa. Chúng cũng thường bị nứt, chảy máu và viêm nhiễm.
Những triệu chứng này có thể gây ra cảm giác kỳ thị, trầm cảm và lo lắng cho người bệnh. Tất cả điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần cũng như công việc và mối quan hệ thân thiết của họ. Nhiều bệnh nhân thậm chí còn tự sát.
#7. Bệnh vẩy nến không liên quan đến các tình trạng sức khỏe thể chất khác
Khi bệnh vẩy nến không được kiểm soát đúng cách, nó có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, những người mắc bệnh vẩy nến có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao cũng như các vấn đề về thị lực và bệnh tim. Khoảng 30% những người bị bệnh vẩy nến sẽ phát triển viêm khớp vẩy nến, theo thống kê của Quỹ Bệnh vẩy nến Quốc gia Hoa Kỳ.
#8. Vẩy nến là một bệnh chỉ gặp ở người lớn
Bệnh vẩy nến phổ biến hơn ở người lớn nhưng khoảng 20.000 trẻ em dưới 10 tuổi ở Mỹ được chẩn đoán bị vẩy nến mỗi năm. Một đứa trẻ sẽ có nguy cơ bị bệnh vẩy nến lớn hơn khi cha hoặc mẹ đứa bé bị bệnh: Nguy cơ là 8% nếu 1 trong 2 người bị bệnh và 41% nếu cả cha và mẹ mắc vẩy nến.
#9. Bệnh vẩy nến có thể ngăn chặn được
Đây là một quan niệm không đúng trong mọi trường hợp. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh vẩy nến có thể phòng ngừa được. Kiểm soát cân nặng, mức độ căng thẳng, lượng rượu uống và tránh hoặc bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ của bạn. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch của bệnh không thể phòng ngừa hoàn toàn.
Bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn nghiêm trọng với các triệu chứng lâu dài. Khi chúng ta biết sự thật, những người bị bệnh có thể được hỗ trợ nhiều hơn, không còn phải đối diện với cảm giác bị kỳ thị và xa lánh.