Vảy nến thể mụn mủ là một trong các thể nặng nhất của bệnh vảy nến, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc từ từ chuyển biến từ các thể khác nhẹ hơn nhưng không được điều trị đúng cách.
Triệu chứng vảy nến mụn mủ toàn thân
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao, da xuất hiện các ban màu đỏ rực, căng bóng, có xu hướng lan rộng ra toàn thân. Trên nền các mảng đó xuất hiện các mụn mủ, các mụn có khi mọc rải rác hoặc có khi các mụn mủ liên kết với nhau thành “hồ mủ”. Các mụn mủ sau khi vỡ, chảy dịch mủ ra sẽ đóng vẩy, vảy khô dần rồi tróc ra trên nền da đỏ sau 1 đến vài tuần, các mảng da đỏ nhạt dần, bệnh sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên cũng có thể đợt bệnh này chưa khỏi đã nối tiếp đợt khác, các thương tổn mới mọc lên nối tiếp nhau. Bệnh làm cho toàn thân trở nên mệt mỏi, suy yếu, sốt, gầy sút, tăng bạch cầu máu ngoại vi, bệnh nhân luôn cảm thấy đau rát, ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh thường không gây tổn thương nội tạng. Ở móng, các móng tay, móng chân dày hoặc tiêu móng, có các hồ mủ ở dưới móng dẫn đến bong móng. Ở khớp bệnh có thể gây viêm đau, có nhiều bệnh nhân bị rụng tóc kèm theo.
Bệnh này thường gặp ở người lớn, hiếm khi gặp ở trẻ em, nam và nữ có xu hướng mắc bệnh ngang nhau.
Hình ảnh vẩy nến thể mủ
Bệnh có đặc điểm mạn tính, tái phát thành nhiều đợt. Khi bệnh nhân đang bị đợt cấp tính, cần điều trị như bỏng nặng, nằm buồng cấp cứu riêng, cho truyền dịch, cấy máu.
Thuốc đầu tay thường dùng là retinoid 0,5 - 1mg/kg/ngày. Thuốc làm ngừng mụn mủ nhanh và còn dùng điều trị tránh tái phát.
Quang hóa trị liệu: kết hợp cho bệnh nhân uống thuốc cảm ứng ánh sáng prosalen và chiếu tia cực tím UVA. Phương pháp PUVA không dùng trong giai đoạn cấp cứu nhiễm độc ban đầu mà dùng khi bệnh đã đỡ hơn.
Thuốc ức chế miễn dịch methotrexat dùng với liều 15 - 25mg/tuần. Thuốc này cũng cần được cân nhắc lựa chọn do các tác dụng phụ trên gan, thận, máu.