Vảy nến là bệnh da liễu mạn tính khá phổ biến hiện nay. Các thương tổn trên da có thể khu trú hoặc lan rộng ở rất nhiều vị trí, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ cũng như sinh hoạt hàng ngày của người mắc. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này mời bạn tham khảo ngay nội dung sau đây!

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh dễ tái phát nhiều lần với tỷ lệ mắc rơi vào khoảng 2 - 3% dân số thế giới. Thực tế cho thấy, ai cũng có thể mắc phải bệnh lý này, không kể nam hay nữ. Nếu khởi phát từ thời thơ ấu sẽ có khả năng thuyên giảm khi trưởng thành.

Về nguyên nhân gây bệnh, cho tới nay, giới chuyên gia vẫn chưa có khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy rằng, sự suy giảm miễn dịch là yếu tố hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Bình thường, hệ miễn dịch đóng vai trò là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại. Trong trường hợp này, chúng lại nhận diện nhầm, tấn công chính những tế bào biểu bì khỏe mạnh, khiến các tế bào này tăng sinh và chết đi nhanh chóng, nhưng không kịp bong ra mà xếp chồng lên nhau, tạo thành mảng da sưng đỏ, bong tróc liên tục.

 1-1024x512 (1).jpg

Hệ miễn dịch rối loạn là nguyên nhân sâu xa gây vảy nến

Bên cạnh đó, một số yếu tố từ môi trường cũng “góp phần” khiến bệnh vảy nến bùng phát nhanh chóng hơn. Chẳng hạn như:

- Chấn thương da nghiêm trọng do tai nạn, xăm trổ, vết tiêm chủng,...

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng do liên cầu.

- Dị ứng thực phẩm.

- Tác dụng phụ của thuốc.

- Mắc một số bệnh làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể như: Đái tháo đường, ung thư, HIV,...

- Lo lắng, căng thẳng kéo dài.

Vảy nến thường xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể?

Thực tế, vảy nến có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào, tùy vào thể bệnh cũng như cơ địa của người mắc. Dưới đây là một số vị trí thường gặp khi vảy nến “ghé thăm”:

Da đầu

Vị trí này thường xuất hiện vảy nến thể mảng, gây ra các đốm đỏ da khắp đầu, có khi lan cả xuống trán, sau gáy, cạnh tai. Ban đầu, nhiều người nhầm lẫn tình trạng này với vảy gàu nên thường bỏ qua, dẫn đến điều trị chưa kịp thời.

Khuỷu tay, đầu gối

Đây là vị trí thường tiếp xúc với các bề mặt xung quanh, dễ trầy xước nên có nguy cơ cao tiến triển bệnh vảy nến. Vị trí này hay gặp vảy nến thể mảng, khiến người mắc ngứa ngáy, khó chịu.

Nếp gấp da

Ở những vùng như: Nách, dưới ngực, phía sau đầu gối, háng, khe mông,... dễ xuất hiện vảy nến đảo ngược, khiến người mắc cảm thấy đau rát, tổn thương nặng hơn khi vận động, ra mồ hôi.

Móng

Tình trạng đổi màu móng, rỗ móng, dễ gãy, vỡ, có khi mất móng,... xảy ra khá phổ biến ở người bị vảy nến. Bên cạnh đó, vùng da xung quanh cũng bong tróc, khô nứt, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.

Lòng bàn tay, bàn chân  

Vảy nến thể mủ rất hay tiến triển ở các vị trí này, với đặc trưng là nổi mụn nước dưới da, bên trong chứa đầy dịch, đôi khi gây phồng rộp, khiến người mắc đau đớn, không thể hoạt động bình thường.

Trên mặt

Mặc dù hiếm gặp hơn, nhưng vảy nến xuất hiện trên mặt gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như vẻ ngoài của người mắc. Các triệu chứng dễ xuất hiện ở trán, mũi, quanh miệng,... Do da mặt khá nhạy cảm nên cần lựa chọn những phương pháp không có tác dụng quá mạnh, tránh làm tổn thương da nghiêm trọng hơn.