Viêm khớp vảy nến là một trong các thể bệnh vẩy nến. Bệnh gây ra viêm đau các khớp xương ở một bên hoặc đối xứng hai bên cơ thể. Vì vậy nên dễ nhầm viêm khớp vảy nến với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là một dạng bệnh lý xảy ra trên nền tảng bệnh vảy nến. Một số người bị bệnh vảy nến một thời gian, sau đó được chẩn đoán bị viêm khớp vảy nến. Đôi khi viêm khớp lại xảy ra trước các tổn thương ngoài da.

Triệu chứng chung của viêm khớp vảy nến là đau, cứng, và sưng ở khớp. Các khớp bị tổn thương có thể là bất cứ khớp nào, có thể là đốt ngón tay, ngón chân, hoặc cột sống, tình trạng có thể nhẹ đến nặng. Cũng giống như triệu chứng chung của bệnh vảy nến, bệnh có khi nặng, có khi lại thuyên giảm.

tải xuống (1).jpg

Hình ảnh viêm khớp vảy nến

Hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp vảy nến như thế nào?

Không có cách điều trị dứt điểm được căn bệnh này. Tuy nhiên bệnh nhân phải hợp tác với bác sĩ để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương các khớp xương dẫn đến tàn phế.

Các thuốc dùng cho điều trị viêm khớp vảy nến gồm các thuốc chống viêm không steroid giúp chống viêm, thuốc giảm đau, sưng, cứng khớp buổi sáng, thuốc chống thấp khớp, thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên các thuốc này đều gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.  Đặc biệt các thuốc chống viêm steroid có thể gây ra kích ứng dạ dày, ruột, dùng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa, ngoài ra có thể gây hại thận, phù, tăng huyết áp, suy tim. Bên cạnh đó, dùng corticoid có thể làm cho các tổn thương ngoài da trầm trọng thêm, thậm chí chuyển biến thành các thể khác nặng hơn như thể đỏ da toàn thân, mụn mủ toàn thân. Các thuốc chống thấp tác dụng chậm có tác dụng từ từ, hiệu quả không được nhanh, các triệu chứng giảm dần trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Các thuốc ức chế miễn dịch cũng được sử dụng nhiều cho bệnh nhân viêm khớp vảy nến (methotrexat, cyclosporin…). Tuy nhiên các thuốc này ức chế cả hệ thống miễn dịch nên có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.

tải xuống (1) (2).jpg

Các thuốc dùng cho điều trị viêm khớp vảy nến

Hướng dẫn bệnh nhân viêm khớp vảy nến tự khắc phục

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt là điều mà bệnh nhân viêm khớp vảy nến có thể tự kiểm soát để khắc phục bệnh. Bệnh nhân tự bảo vệ các khớp xương của mình từ các động tác đơn giản nhất như: khi mở bình, mở lọ thì dùng các dụng cụ để mở, tránh xoay khớp có thể làm trật khớp xương. Khi nâng vật nặng thì cần nâng bằng cả hai tay. Người bệnh cần duy trì một trọng lượng cân đối, tránh thừa cân béo phì sẽ dẫn đến tăng áp lực lên các khớp xương. Duy trì cân nặng bằng một chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, chất xơ, hạn chế chất béo có hại vào cơ thể. Bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục có thể giúp giữ cho các khớp xương linh hoạt và cơ bắp mạnh mẽ. Các loại bài tập phù hợp với người bệnh viêm khớp bao gồm xe đạp, bơi lội và đi bộ.

Kết hợp cả các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, hiểu rõ về tính chất của bệnh là điều rất cần thiết đối với mỗi bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến. Vì thế bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, lạc quan, duy trì lối sống tích cực sẽ giúp kiểm soát được bệnh, ngăn ngừa biến chứng của viêm khớp vảy nến.