Viêm da cơ địa ở tay là bệnh ngoài da mạn tính, có thể gây tổn thương da trong thời gian dài và dễ tái phát. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là bàn tay sưng đỏ, nứt nẻ, khô ráp và ngứa ngáy. Viêm da cơ địa cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh.
Bệnh viêm da cơ địa ở tay là gì?
Viêm da cơ địa ở tay là bệnh lý viêm da mạn tính với các triệu chứng da nổi mẩn đỏ, sần, khô, bong tróc đi kèm với những cơn ngứa dai dẳng. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa dữ dội vào ban đêm. Khi bệnh có xu hướng thuyên giảm, các vết mẩn đỏ sẽ dần thành màu nâu, xám, những vùng da khô hơn thường để lại mảng vảy da dày và dễ bong tróc.
Dấu hiệu nhận biết tay bị viêm da cơ địa
Bàn tay là nơi thường xuyên tiếp xúc với các chất có khả năng gây kích ứng. Do đó, tình trạng viêm da cơ địa ở tay thường diễn biến phức tạp và hay tái phát. Dấu hiệu thường gặp của viêm da cơ địa ở tay tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
Giai đoạn cấp tính
Tay bị viêm da cơ địa thường nổi các nốt ban đỏ, thành từng mảng. Vùng da bị nổi ban cộm lên rõ ràng và đi kèm với các mụn nước li ti. Da sần sùi nhưng không có vảy sừng. Viêm da cơ địa khiến người bệnh ngứa âm ỉ, dai dẳng.
Giai đoạn bán cấp
Giai đoạn bán cấp là bước chuyển tiếp từ bệnh cấp tính sang mạn tính. Người bệnh ở giai đoạn này phải chịu những cơn ngứa thường xuyên hơn và đi kèm với đau nhức các khớp tay bị viêm da cơ địa. Bề mặt da lúc này khá khô, các nốt ban đỏ bắt đầu hình thành vảy sừng cứng và da dễ bị nứt nẻ hơn.
Giai đoạn mạn tính
Ở giai đoạn mạn tính, vùng da tay bị viêm da cơ địa hình thành vảy sừng dày, các mảng lichen hoá, tối màu, da khô, nứt nẻ. Trẻ em mắc bệnh thường gặp các cơn đau nhức dữ dội, bé quấy khóc, chán ăn và ít ngủ hơn.
Bệnh viêm da cơ địa thường gặp vào mùa khô
Nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa ở tay có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như di truyền, thời tiết, môi trường, hệ miễn dịch rối loạn,.... Cụ thể như sau:
Di truyền
Nghiên cứu chỉ ra rằng, 60% số người bệnh viêm da cơ địa ở tay là do di truyền. Nếu bố mẹ đã từng bị viêm da cơ địa thì con cái cũng có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh trong tương lai.
Thời tiết
Việc sinh hoạt trong điều kiện hanh khô và lạnh khiến da tay trở nên khô ráp hơn. Điều này khiến da tăng độ nhạy cảm, mất nước, dễ tổn thương hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa.
Môi trường
Các tác nhân độc hại như khói bụi, nấm mốc, hoá chất công nghiệp,… là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng của cơ thể. Tiếp xúc với các tác nhân này trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, …
Tiếp xúc dị nguyên
Thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học, hương liệu, tác nhân gây dị ứng mạnh có trong chất tẩy rửa, mỹ phẩm, phấn hoa, lông động vật,… sẽ gây kích ứng da, làm tăng nguy cơ mắc viêm da cơ địa.
Hệ miễn dịch rối loạn
Bình thường, hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố lạ như vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, rối loạn, dẫn đến tự miễn dịch. Thay vì tấn công vào yếu tố lạ, hệ miễn dịch lại tấn công vào tế bào biểu bì da, các cơ quan trong cơ thể, gây bệnh viêm da cơ địa.
Hệ miễn dịch rối loạn có thể dẫn đến viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa ở tay có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa ở tay thường sẽ phát bệnh thành từng đợt rồi tự thuyên giảm, người mắc có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị sớm.
- Để lại sẹo: Cấu trúc vùng da bị viêm da cơ địa vốn đã yếu nên dễ tổn thương hơn và bị vi khuẩn, vi sinh vật tấn công. Vì thế mà các vết thương khi lành có thể để lại sẹo, mất thẩm mỹ.
- Viêm nhiễm nặng: Viêm da cơ địa ở ngón tay gây ngứa, người bệnh gãi nhiều dễ để lại các vết thương dẫn đến viêm nhiễm nặng hơn.
- Kích ứng da toàn thân: Một số trường hợp người bệnh chữa trị không đúng cách, lạm dụng thuốc bôi hoặc sử dụng thuốc sai cách có thể gây ra tình trạng kích ứng, đỏ da toàn thân. Người bệnh phát ban toàn thân, sốt cao, ngứa dữ dội,…
Viêm da cơ địa ở tay gây ngứa rất khó chịu
Cách chữa bệnh viêm da cơ địa ở tay
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị viêm da cơ địa ở tay giúp giảm ngứa, giảm viêm và ngăn chặn bệnh quay trở lại trong tương lai. Tùy vào tình trạng cơ địa và bệnh lý mà đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Chữa viêm da cơ địa ở tay tại nhà
Trong dân gian có rất nhiều mẹo hay giúp hỗ trợ chữa bệnh viêm da cơ địa hiệu quả. Một số phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng như:
- Ngâm lá trầu không: Trầu không chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng làm ấm, diệt khuẩn, giảm ngứa. Dùng một nắm nhỏ lá trầu không, rửa sạch, vò nát, đun sôi với 1 lít nước và 1 thìa muối. Nước này có thể dùng để ngâm, rửa tay bị viêm da cơ địa, sử dụng 2 - 3 lần/tuần.
- Ngâm, tắm lá trà xanh: Rửa sạch và vò nát một nắm trà xanh sau đó đun sôi trong 1 - 2 lít nước. Dùng nước trà xanh để tắm, rửa tay và ngâm tay sẽ cho công dụng giảm ngứa, giảm viêm.
- Ngâm tay trong nước muối: Người bệnh viêm da cơ địa ở tay có thể ngâm tay trong nước muối ấm pha loãng hoặc dùng khăn sạch thấm nước muối sinh lý để đắp lên da.
Ngâm lá trầu không giúp giảm viêm, cải thiện viêm da cơ địa
Cách chữa viêm da cơ địa ở tay bằng thuốc tây
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc tây để chữa viêm da cơ địa ở tay, ngón tay hoặc những vùng da khác trên cơ thể:
- Thuốc bôi chống viêm: Các loại thuốc bôi như Clobetasone hoặc Fluticasone đều có tác dụng điều trị viêm nhiễm và làm giảm ngứa. Tuy nhiên, hai loại thuốc này chỉ nên sử dụng cho vùng da dày, tránh bôi lên các vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt.
- Thuốc điều hoà miễn dịch: Pimecrolimus và Tacrolimus là hai loại thuốc điều hoà miễn dịch thường được các bác sĩ khuyên dùng. Thuốc có khả năng làm giảm các triệu chứng ngứa và tăng cường miễn dịch, bảo vệ da.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprine và Methotrexate thường được sử dụng trong những trường hợp nặng. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ.
- Thuốc hoặc kem dưỡng ẩm thẩm thấu qua da: Các loại thuốc như Mimyx, Aquaphor và Vaseline có thể làm mềm cũng như hạn chế sự mất độ ẩm của da thông qua lớp màng bảo vệ, giúp da mềm mại, giảm ngứa.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin thế hệ H1 thường được sử dụng để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng ở bàn tay và ngón tay. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là an thần và gây buồn ngủ. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý về liều lượng khi sử dụng.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này chỉ thích hợp với bệnh viêm da cơ địa ngón tay, bàn tay gây nhiễm trùng da. Tùy theo mức độ viêm nhiễm mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp.
- Thuốc uống corticoid: Khi thuốc kháng histamin không có tác dụng, các triệu chứng trở nên trầm trọng và lan rộng, người bệnh sẽ được chỉ định uống corticosteroid để chống viêm nhiễm, giảm ngứa.
Chữa viêm da cơ địa ở tay bằng bài thuốc thảo dược
Viêm da cơ địa ở tay là bệnh lý khó để chữa khỏi hoàn toàn. Để cải thiện tình trạng bệnh, bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị, người mắc có thể kết hợp sử dụng các thảo dược như: Thổ phục linh, sói rừng, cao hoàng bá,…
Các loại thảo dược từ thiên nhiên có chức năng thải độc cho cơ thể, tăng cao hệ miễn dịch, giúp cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu của bệnh viêm da cơ địa.
Có nhiều cách để điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa ở tay cần được điều trị sớm và đúng cách để hạn chế bệnh tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mắc. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về viêm da cơ địa ở tay. Nếu bạn còn băn khoăn về bệnh lý viêm da cơ địa ở tay, hãy để câu hỏi tại phần bình luận, đội ngũ chuyên gia sẽ giải đáp giúp bạn sớm nhất.
Nguồn tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/symptoms-causes/syc-20353273
https://dermnetnz.org/topics/atopic-hand-dermatitis
https://int.eucerin.com/skin-concerns/atopic-dermatitis/atopic-eczema-on-hands