Lupus ban đỏ được xem như một bệnh lý viêm mạch có tính chất tự miễn, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường nghiêm trọng, nhưng có thể được cải thiện nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nhất là trước khi bệnh có biến chứng nội tạng. |
Ở điều kiện sinh lý bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virút, ký sinh trùng… Tuy nhiên, trong bệnh lupus ban đỏ và các bệnh tự miễn khác như xơ cứng bì, viêm bì cơ…, hệ miễn dịch của cơ thể mất khả năng phân biệt lạ hay quen, tự sinh ra yếu tố chống lại chính mình bằng cách sinh ra các kháng thể chống lại tế bào của hầu hết các cơ quan. Chẩn đoán bệnh Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học thấy rằng bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, như: yếu tố di truyền, nếu trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh, người trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so người bình thường; có thể do yếu tố môi trường như nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất, ánh nắng mặt trời; có thể do yếu tố nội tiết như bệnh gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và nặng lên khi mang thai; một số thuốc khi dùng có thể liên quan đến bệnh như: procainamide (Procanbid), hydralazine (Apresoline), isoniazid (Laniazid)…
Tổn thương hình cánh bướm trong bệnh lupus ban đỏ Thông thường, nếu lupus ban đỏ gây ra bởi thuốc, có thể khỏi sau khi hết sử dụng các thuốc nói trên. Triệu chứng bệnh thường đa dạng và phức tạp. Các nhà y học chia lupus đỏ ban đỏ có hai loại chính: lupus ban đỏ cấp tính còn gọi là lupus đỏ ban đỏ hệ thống, ngoài tổn thương da còn có thương tổn nội tạng kèm theo; và lupus mạn tính còn gọi là lupus ban đỏ dạng đĩa, bệnh lý thương tổn chỉ có trên da, đơn độc, không có thương tổn nội tạng. Với lupus ban đỏ hệ thống, trong giai đoạn khởi phát, người bệnh thường có những triệu chứng rất mơ hồ, không đặc hiệu, thường gặp nhất là mệt mỏi, sốt, đau cơ và khớp; mệt mỏi gây cho bệnh nhân khó chịu, kèm theo sốt thường nhiệt độ không quá 38,5oC, đau cơ và khớp. Sau giai đoạn khởi phát, triệu chứng ở da gặp nhiều nhất và sớm, đó là tổn thương da có dạng hồng ban hình cánh bướm, là dạng phát ban kinh điển trong lupus, có màu đỏ và xuất hiện ở hai bên má, tăng lên khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ngoài dạng kinh điển cũng có một loại phát ban khác cũng có thể xuất hiện trong bệnh lupus như ban dạng đĩa, là những mảng da đỏ, bong vảy và có thể để lại sẹo, dạng ban nay thường mọc ở mặt và da đầu nên có thể gây rụng tóc… Với lupus mãn tính, hay còn gọi là lupus ban đỏ dạng đĩa, các triệu chứng tổn thương thường điển hình, tổn thương da mà trong y học gọi là hồng ban, là sang thương với chỗ đỏ da kiểu sung huyết, kích thước thường to bằng đồng xu, biến mất khi màu đỏ, khi ta dùng miếng kính trong suốt đè lên, sờ vào có cảm giác nóng, bóp thấy đau, kèm theo dấu hiệu tăng sừng, nhiều nhất ở lỗ chân lông, sờ vào thấy nhám, gọi là tăng sừng điểm, sau cùng là teo da và để lại sẹo, nếu mức độ nhẹ giống như mỏng da, nếu nặng hơn teo da lõm sâu xuống để lại sẹo xấu; vị trí thường gặp nhất là ở da như má, mũi, tai, da đầu, bàn tay, ngón tay, lưng bàn tay; ở niêm mạc thường là ở môi dưới, thấy một mảng teo màu trắng, trên có vảy dính, trong niêm mạc có những mảng đỏ lốm đốm trắng và teo. Để giúp cho việc chẩn đoán lupus ban đỏ được đơn giản hóa hơn, năm 1982, hội Thấp khớp Hoa Kỳ (ARA) đã đưa ra 11 tiêu chuẩn để chẩn đoán. Để chẩn đoán là bệnh lupus ban đỏ, bệnh nhân phải có trên 4 triệu chứng trong số các triệu chứng sau: 1. Nổi hồng ban có dạng hình cánh bướm ở hai bên má, phía dưới 2 mắt, sang thương có thể phẳng hoặc gồ lên mặt da. 2. Ban hình đĩa: những mảng màu đỏ, nổi gồ lên kèm theo nổi vảy ở phần da phủ phía trên. 3. Nhạy cảm với ánh sáng, nổi ban do phản ứng với ánh sáng mặt trời. 4. Loét ở miệng: những vết loét không đau ở vùng mũi hoặc miệng. 5. Viêm khớp, viêm khớp do lupus thường không gây biến dạng khớp, có thể sưng khớp và ấn đau. 6. Viêm thanh mạc là tình trạng viêm của các túi hoặc màng bao bọc phổi, tim và lát khoang ổ bụng. 7. Bệnh thận, tiểu đạm hoặc soi nước tiểu dưới kính hiển vi cho thấy những bằng chứng về tình trạng tổn thương cầu thận. 8. Rối loạn về thần kinh, biểu hiện bằng triệu chứng co giật hoặc tình trạng rối loạn tâm thần. 9. Rối loạn về máu, giảm số lượng các thành phần trong máu. 10. Bệnh lý miễn dịch, để xác định chính xác cần phải thực hiện những xét nghiệm chuyên biệt, kháng thể kháng DNA, các protein nhân hoặc các phospholipids, xét nghiệm này có thể dương tình giả ở bệnh giang mai. Những kháng thể này xuất hiện trong máu có thể chống lại những mô lành của cơ thể vì vậy lupus còn được gọi là bệnh tự miễn. 11. Kháng thể kháng nhân (ANA - antinuclear antibody) là yếu tố thường gặp trong máu ở các bệnh tự miễn. Hỗ trợ điều trị và phòng bệnh Việc điều trị bệnh lupus ban đỏ phải kết hợp nhiều yếu tố, đòi hỏi sự hợp tác giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Bệnh nhân phải tuân thủ theo chế độ điều trị và theo dõi bệnh lâu dài. Tránh các yếu tố làm bộc phát bệnh hay làm bệnh nặng thêm như tránh nắng tối đa. Tránh nóng, hạn chế chấn thương, khi ra nắng phải che chắn cẩn thận, đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, găng, vớ, dùng kem chống nắng… Tránh một số thuốc có thể làm bộc phát bệnh hay làm bệnh nặng thêm như đã kể phần trên. Tránh có thai, vì trường hợp này cũng làm bệnh nặng hơn. Khám định kỳ khi bị lupus ban đỏ Ngoài ra, nhiễm trùng, stress cũng là yếu tố khiến bệnh nặng thêm; nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ăn những thức ăn dễ tiêu, tránh căng thẳng. Bệnh lupus ban đỏ là bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài, người bệnh đi khám theo định kỳ, nếu có những biểu hiện như sốt, đau đầu một cách bất thường, tiểu ra máu, đau ngực, khó thở, sưng tay - chân, yếu ở chân - tay, đau bụng một cách bất thường, đau khớp, rối loạn thị giác, người bệnh cần đi khám bệnh. Cần nhập viện ngay khi sốt trên 38,8oC, giảm lượng nước tiểu một cách nhanh chóng, đau ngực, khó thở, nhức đầu dữ dội, thay đổi thị giác cấp tính, đau bụng đột ngột, không thể trụ được sức nặng của bản thân hoặc di chuyển, khớp do đau dữ dội. Điều trị tại nhà, bệnh nhân cần nghiêm túc uống thuốc theo toa và tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời hoặc sử dụng kem chống nắng đối với những vùng da nhạy cảm. Với lupus ban đỏ hệ thống trong cơn cấp tính, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh nắng. Nếu bệnh không nặng, sử dụng chloroquin. Nếu bệnh nặng dùng corticoid, hạn chế sử dụng muối, bổ sung thêm kali, canxi, vitamin. Khi bệnh hết sốt, đỡ đau khớp, hồng ban nhạt màu, thương tổn nội tạng ổn thì giảm liều corticoid hoặc giảm liều chloroquin. |