Lupus ban đỏ nếu chuyển sang giai đoạn nặng sẽ gây tổn thương nội tạng, trong đó, tỷ lệ biến chứng ở phổi (viêm phổi, viêm màng phổi) ở chiếm 20-60%.

Lupus là một từ latin có nghĩa là “chó sói”, xuất phát từ việc người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt, giống như chó sói. Bình thường, hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...), nhưng trong lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ - quen. Nó quay ra chống lại chính mình bằng cách sinh ra kháng thể chống lại tế bào của hầu hết cơ quan trong cơ thể.

Triệu chứng của lupus ban đỏ rất đa dạng và dễ nhầm với các bệnh khác, vì thế bệnh thường khó chẩn đoán. Hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt... Khoảng 3/4 số bệnh nhân nổi ban đỏ bất thường trên da.

Lupus ban đỏ gây tổn thương nhiều cơ quan.jpg

Lupus ban đỏ gây tổn thương nhiều cơ quan

Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể xuất hiện tổn thương nội tạng, thần kinh, mạch máu, biểu hiện ở nhiều cơ quan, vì thế lupus được gọi là một bệnh hệ thống, bao gồm biểu hiện trên tim (viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim…), trên thận (viêm cầu thận, hội chứng thận hư…) và một số cơ quan khác. Đặc biệt, tổn thương phổi thường chiếm tỷ lệ lớn. Bệnh nhân có thể bị viêm, tràn dịch màng phổi, nghẽn mạch phổi, xuất huyết phổi…

Có nhiều yếu tố tham gia khiến bệnh lupus ban đỏ khởi phát đồng thời nặng hơn, trong đó có môi trường và gen. Yếu tố môi trường có thể do ánh nắng (tia tử ngoại), tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, uống thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm…). Đặc biệt, lupus ban đỏ có liên quan đến di truyền. Nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những người tiền sử trong gia đình đã có người bị lupus ban đỏ.

Về điều trị, bác sĩ không có nhiều lựa chọn ngoài việc dùng corticoid nhằm ức chế miễn dịch và một số thuốc khác như nhóm giảm đau không steroid. Tuy nhiên, việc dùng corticoid trong thời gian dài sẽ kèm theo nhiều tác dụng phụ như: sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, dễ nhiễm khuẩn, suy tuyến thượng thận, đục thủy tinh thể…