Lupus là một căn bệnh mạn tính. Bệnh có thể gây ra nhiều khó chịu, phiền toái, thậm chí là tàn phá cơ thể người bệnh.
Dưới đây là 5 điều về bệnh lupus mà có thể bạn chưa biết:
1. Các triệu chứng của bệnh lupus đa dạng và có thể xuất hiện trên khắp cơ thể
Như nhiều bệnh tự miễn khác, các triệu chứng của bệnh lupus xuất hiện rồi lại biến mất, lặp đi lặp lại với các cơn bùng phát. Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh lupus là những ban đỏ trên da, ở nhiều vị trí trên cơ thể như mặt, tay, thân người...
Bệnh lupus còn gây triệu chứng viêm khớp, đôi khi bị nhầm với viêm khớp dạng thấp. Những triệu chứng thường gặp khác là buồn nôn, nôn, đau nhức cơ bắp, sút cân. Vì các triệu chứng lupus rất đa dạng, nhiều bệnh nhân đã không chú ý cho đến khi những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và đã gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.
2. Không dễ để chẩn đoán bệnh lupus
Triệu chứng của bệnh lupus rời rạc và giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh lupus khá là khó. Người bệnh lupus thường có kháng thể kháng nhân trong máu. Có khoảng 97% bệnh nhân lupus có xét nghiệm dương tính với kháng thể kháng nhân. Tuy nhiên, một số người không mắc lupus cũng dương tính với kháng thể, vì vậy, xét nghiệm này chỉ được coi là một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra, cũng có nhiều xét nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh lupus, nhưng không có xét nghiệm nào đủ đặc hiệu để có thể chẩn đoán ngay là bệnh lupus. Các bác sĩ thường kết hợp các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh nhân, gia đình và các xét nghiệm thì mới chẩn đoán được là bệnh nhân có mắc lupus hay không. Bệnh lupus cũng thường bùng phát trong giai đoạn mang thai và đây cũng là thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán bệnh lần đầu tiên.
Lupus thường bùng phát khi mang thai
Các bác sĩ có thể nghiêng nhiều về chẩn đoán bệnh lupus nếu bệnh nhân có các triệu chứng điển hình: ban cánh bướm trên mặt, da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, tổn thương niêm mạc miệng, rụng tóc thành đốm.
3. Bệnh lupus không chỉ có một loại
Có 2 thể chính của bệnh lupus: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống.
Lupus ban đỏ hệ thống thường tấn công các cơ quan như da, thận, tim, máu, khớp và thần kinh.
Lupus ban đỏ dạng đĩa chỉ gây ảnh hưởng trên da và ít gặp hơn so với lupus ban đỏ hệ thống. Biểu hiện là các phát ban đỏ, tròn trên da. Khoảng 10% bệnh nhân lupus ban đỏ dạng đĩa chuyển thành lupus ban đỏ hệ thống nhưng cũng có thể chỉ là do ban trên da là triệu chứng đầu tiên của lupus ban đỏ hệ thống.
4. Đôi khi bệnh lupus chỉ là tạm thời
Bệnh lupus đôi khi chỉ là tạm thời, đó là những trường hợp lupus do thuốc. Nó cũng gây triệu chứng tương tự lupus ban đỏ hệ thống nhưng nguyên nhân lại là do thuốc. Các triệu chứng này thường mất sau khi ngưng thuốc một thời gian, ít gây tổn thương cho các cơ quan.
Một số loại thuốc có thể gây lupus tạm thời như: hydralazine, procainamide…
Lupus ở trẻ sơ sinh cũng không phải là một hình thức thực sự của lupus. Đó là trường hợp trẻ sơ sinh sinh ra bởi người mẹ mắc lupus có các triệu chứng giống với lupus ban đỏ hệ thống. Các triệu chứng này thường mất đi trước khi trẻ được 1 tuổi. Hầu hết trẻ em sinh ra bởi các bà mẹ bị lupus đều hoàn toàn khỏe mạnh.