Bệnh eczema còn được gọi là bệnh chàm. Đây là tình trạng viêm da ở lớp thượng bì của da, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Eczema phát triển theo từng đợt và rất dễ tái phát. Vậy Eczema là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Cùng đọc bài viết sau để hiểu rõ hơn về bệnh Eczema nhé!

Eczema là gì?

Eczema là bệnh lý ngoài da. Eczema là một tình trạng viêm lớp nông của da dưới dạng cấp tính và mạn tính, có diễn biến khá phức tạp. Tổn thương trong eczema là những mụn nước. Dân gian còn gọi eczema là bệnh chàm tổ đỉa, do gây tổn thương lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho da sần sùi kèm theo các lỗ sâu rỉ nước vàng như miệng con đỉa. 

Eczema có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ, cũng như gây khó chịu trong sinh hoạt nên cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách

Bieu-hien-eczema-o-ban-chan-gay-kho-chiu-khi-di-chuyen.webp

Biểu hiện eczema ở bàn chân gây khó chịu khi di chuyển

Eczema có lây không?

Bệnh eczema không có khả năng lây truyền qua đường tiếp xúc thông thường, ít lan truyền từ vùng da này sang vùng da khác. Bệnh eczema chỉ tiến triển ở trên bề mặt da của người bệnh mà không truyền từ người bệnh sang người khác qua đường tiếp xúc. Vì vậy, cần loại bỏ tâm lý kỳ thị, xa lánh người bị eczema để tránh khiến cho người bệnh trở nên tự ti, ngại giao tiếp.

Nguyên nhân gây bệnh eczema

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh eczema, căn nguyên của bệnh được cho là liên quan đến di truyền, hệ miễn dịch rối loạn, môi trường ô nhiễm cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

Do di truyền

Di truyền có ảnh hưởng đến sự khởi phát của rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có eczema. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trường hợp nếu bố mẹ mắc bệnh thì tỉ lệ con cái mắc bệnh đạt tỉ lệ cao lên tới trên 50%.

Do hệ miễn dịch rối loạn

Khi hệ miễn dịch rối loạn, thay vì tấn công vào các yếu tố lạ thì lại tấn công vào các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tế bào da, gây bệnh eczema.

Do môi trường

Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, tiếp xúc nhiều với khói bụi, các loại hóa chất và hóa mỹ phẩm như xà phòng, sản phẩm làm đẹp có tính kiềm hay axit quá cao, dung môi công nghiệp,… đều có gây viêm lớp thượng bì của da, là nguyên nhân gây bệnh eczema.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Yếu tố thời tiết: Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh đều có thể làm cho da không kịp thích ứng, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh eczema hình thành, gây ra những tổn thương trên da.
  • Yếu tố cơ địa: Cơ địa là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh eczema. Nhất là đối với những đối tượng có cơ địa dễ dị ứng, phản ứng mạnh với các tác nhân bên ngoài như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo,…có nguy cơ cao bị bệnh eczema.
  • Yếu tố bệnh lý: Những người có tâm lý bất ổn, cơ thể suy nhược, căng thẳng thường xuyên, rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết cũng có nguy cơ bị eczema cao hơn những người khác.
  • Yếu tố vệ sinh: Việc vệ sinh thân thể không đúng cách trong một khoảng thời gian dài có thể làm cho vi khuẩn tích tụ, dẫn đến bùng phát bệnh eczema.

Ve-sinh-khong-sach-se-co-the-gay-benh-eczema.webp

Vệ sinh không sạch sẽ có thể gây bệnh eczema

Triệu chứng và các giai đoạn của eczema

 Ngứa là triệu chứng điển hình gặp ở người bệnh mắc eczema. Ngứa thường đi kèm với các tổn thương khác tùy vào từng giai đoạn bệnh, bệnh eczema có giai đoạn cấp tính và giai đoạn mạn tính.

Giai đoạn cấp tính

Giai đoạn cấp tính, bệnh có các triệu chứng điển hình như:

  • Da tấy đỏ, xuất hiện những mảng da màu đỏ thể dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt với các vùng da lành xung quanh.
  • Có vảy hồng, mảng rỉ dịch tại chỗ tổn thương.
  • Mụn nước li ti với số lượng, kích thước và mật độ rất khác nhau. Khi mụn nước vỡ sẽ có dịch chảy ra ngoài. Trong trường hợp, các mụn nước không vỡ sẽ khô lại và bong vảy sau một thời gian.
  • Cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu tại vùng da tổn thương.

 Giai đoạn mạn tính

Giai đoạn mạn tính, bệnh eczema có các triệu chứng như:

  • Da khô, nứt nẻ, bong tróc thành từng mảng. Bề mặt da để lại sẹo bóng, màu nâu nhạt gây mất thẩm mỹ.
  • Da dày và đậm màu hơn vùng da lành xung quanh, do hiện tượng Lichen hóa biểu bì.
  • Vết xước do gãi hay chà sát tại vùng da tổn thương.

Biến chứng của bệnh eczema

Bệnh eczema tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng đắn và kịp thời có thể sẽ dẫn đến một số biến chứng như:

  • Gây viêm da tróc vảy.
  • Gây các bệnh về mắt như: Viêm mí mắt, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, giảm thị lực.
  • Nhiễm nấm: Eczema gây tổn thương da nên các tác nhân như nấm có thể xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
  • Rối loạn giấc ngủ: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh eczema là rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh và có thể dẫn đến các bệnh tâm thần khác.
  • Tăng đáp ứng dị nguyên: Dị ứng, hen suyễn… là các biến chứng có thể gặp ở người mắc bệnh eczema. 
  • Nhiễm trùng trên da: Eczema tái phát nhiều lần là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Bien-chung-nhiem-trung-da-do-eczema.webp

Biến chứng nhiễm trùng da do eczema

Phương pháp điều trị bệnh eczema

Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm bệnh eczema, các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm làm giảm các triệu chứng, cải thiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại và đẩy nhanh quá trình tự hồi phục của làm da. Người bệnh có thể xem xét sử dụng phương pháp điều trị theo y học hiện đại, theo dân gian hay sử dụng thảo dược dưới đây.

Điều trị eczema theo y học hiện đại

Một số nhóm thuốc điều trị bệnh eczema thường được sử dụng:

Nhóm thuốc điều trị ngoài da:

  • Nhóm thuốc bôi chứa Corticoid: Tuỳ vào từng giai đoạn của bệnh mà lựa chọn loại thuốc bôi phù hợp. Thuốc chứa Corticoid có tác dụng giảm viêm, giảm ngứa nhanh chóng, cải thiện triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng da bị bào mòn, dễ bắt nắng và làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Nhóm thuốc chứa Calcineurin: Với tác dụng làm dịu chứng viêm và ngứa giúp cải thiện triệu chứng của eczema. Thuốc chứa Calcineurin thường được bác sĩ khuyên dùng, tuy nhiên có một vài nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc này, có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
  • Kem dưỡng ẩm: Với cơ chế khóa nước trên bề mặt da, giúp hạn chế tổn thương và làm dịu tình trạng da khô, mẩn đỏ và ngứa.

Dung-thuoc-boi-tai-cho-dieu-tri-eczema.webp

Dùng thuốc bôi tại chỗ điều trị eczema

Nhóm thuốc điều trị theo đường uống:

  • Nhóm thuốc kháng Histamin H1: Thường được sử dụng vào ban đêm, giảm triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, giúp cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, thuốc khiến người sử dụng buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, cần hạn chế sử dụng vào ban ngày nhất là khi tham gia giao thông.
  • Nhóm thuốc kháng sinh: Eczema gây ngứa ngáy, khó chịu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Cần sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây tình trạng kháng kháng sinh.
  • Nhóm thuốc sinh học: Nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của hệ miễn dịch.

Biện pháp khác:

  • Liệu pháp UV: Sử dụng tia UVA, UVB hoặc được kết hợp cả 2 tia. Liệu pháp này được áp dụng khi người bệnh điều trị bằng các phương pháp khác nhưng không đem lại hiệu quả. Tuy vậy, liệu pháp UV khiến vùng da đỏ rát, thay đổi sắc tố và có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
  • Liệu pháp PUVA: Giống với liệu pháp UV, tuy nhiên sẽ sử dụng thêm psoralen, chất làm tăng tính nhạy cảm của da với tia UV. Liệu pháp PUVA được áp dụng khi sử dụng liệu pháp UV không đem lại hiệu quả trong điều trị.

Su-dung-tia-UV-ho-tro-dieu-tri-eczema.webp

 Sử dụng tia UV hỗ trợ điều trị eczema

Biện pháp dân gian điều trị eczema

Người mắc bệnh eczema có thể áp dụng các phương pháp điều trị bằng dân gian sau:

  • Dùng lá trà xanh: Lá trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm chậm quá trình lão hoá, giảm triệu chứng của bệnh eczema đáng kể. Đun sôi lá trà xanh với nước, thêm một ít muối làm tăng khả năng diệt khuẩn. Ngâm rửa vùng da bị bệnh, bã lá trà xanh đắp lên vết thương, làm dịu triệu chứng của eczema.
  • Dùng lá ổi: Trong lá ổi có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn khuẩn và có khả năng tái tạo da non, phục hồi các tế bào bị tổn thương do eczema gây ra. Lấy một nắm lá ổi, rửa sạch và đun sôi với nước. Đợi nước nguội, ngâm vùng da bị bệnh vào nước lá ổi trong 15p. 
  • Dùng lá trầu không: Lá trầu không chứa các thành phần có đặc tính chống nấm, chống vi khuẩn, điều hoà miễn dịch. Dùng nước lá trầu không rửa vùng da tổn thương có thể thúc đẩy quá trình lành da. Sử dụng lá trầu không đun nước uống hàng ngày hoặc đun nước để tắm. Phần bã lá tận dụng để giã nát đắp ngoài da. 

Nhung-bai-thuoc-dan-gian-trong-dieu-tri-eczema.webp

Những bài thuốc dân gian trong điều trị eczema

Sau khi thực hiện những phương pháp trên, bạn có thể sử dụng thêm các loại kem dưỡng lành tính để giữ ẩm cho da, ngăn bệnh tái phát.

Điều trị bằng thảo dược

Sử dụng thảo dược là một phương pháp lành tính và hiệu quả, việc nghiên cứu về thành phần, cơ chế tác dụng và hiệu quả điều trị của các loại thảo dược tiếp tục được đẩy mạnh. Các loại thảo dược như: Sói rừng, bạch thược, hoàng bá, thổ phục linh, nhũ hương,...là những loại thảo dược ít tác dụng phụ và khi phối hợp giúp giảm thiểu các triệu chứng của nhiều mặt bệnh rất đáng tin dùng. Theo báo cáo nghiên cứu của đại học của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng cho thấy, sói rừng có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua đó cải thiện các triệu chứng của bệnh eczema. Bạch thược có tác dụng làm mát, tiêu viêm, kháng khuẩn và chống dị ứng. Hoàng bá chứa hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ức chế miễn dịch. Chiết xuất nhũ hương giúp giảm đau, chống viêm, giảm ngứa và dị ứng hiệu quả. Thổ phục linh giúp giải độc và điều trị các bệnh viêm. Như vậy với sự kết hợp của nhiều loại thảo dược, sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh eczema.

Soi-rung-thanh-phan-ho-tro-dieu-tri-eczema.webp

Sói rừng - thành phần hỗ trợ điều trị eczema

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh:

  • Ăn uống đủ dinh dưỡng. Uống đủ nước mỗi ngày làm cơ sở duy trì độ ẩm, độ đàn hồi, giúp da luôn khoẻ.
  • Luôn giữ ẩm và vệ sinh làn da sạch sẽ.
  • Giữ cho các đồ dùng cá nhân sạch sẽ, định kỳ giặt chăn ga gối
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất giặt rửa, các hóa chất axit hay kiềm mạnh.

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh eczema. Nếu còn thắc mắc gì liên quan đến eczema, bạn hãy để lại bình luận bên dưới để được tư vấn nhé!

Link tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/symptoms-causes/syc-20353273#:~:text=Atopic%20dermatitis%20(eczema)%20is%20a,by%20asthma%20or%20hay%20fever.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/diagnosis-treatment/drc-20353279

https://www.qare.fr/sante/eczema/#:~:text=L'ecz%C3%A9ma%20est%20une%20inflammation,peut%20survenir%20%C3%A0%20tout%20%C3%A2ge.