Chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng, giúp chúng ta duy trì một thể chất khỏe mạnh. Bên cạnh đó, với người bệnh lupus, đồ ăn và nước uống còn có vai trò trong việc hỗ trợ điều trị: làm giảm triệu chứng viêm, hạn chế tác dụng phụ của các thuốc điều trị, giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Trong khi một số loại đồ ăn thức uống tốt cho người bệnh lupus, thì cũng có một số loại mà bệnh nhân nên tránh.

10 điều nên và không nên trong ăn uống khi bị lupus ban đỏ

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân nên và không nên làm:

1. Nên: Ăn những thức ăn dễ tiêu hóa

Bệnh nhân lupus có thể gặp một số vấn đề về tiêu hóa như viêm hay loét niêm mạc đường tiêu hóa. Vì vậy, bệnh nhân nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Sinh tố và trái cây là những đồ ăn vừa dễ tiêu hóa lại vừa bổ dưỡng mà bệnh nhân nên bổ sung. Với các loại thức ăn khó tiêu hóa như các loại hạt, nên nấu kỹ để dễ tiêu hóa hơn.

2. Không nên: Ăn thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh thường được chế biến với chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và nhiều phụ gia không tốt khác. Người bị lupus nên tránh những loại thức ăn này.

3. Nên: Ăn những thực phẩm có tác dụng chống viêm

Có rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên giúp chống viêm trong bệnh lupus: hạt lanh, quả bơ, quả óc chó, các loại quả và rau lá xanh, cà rốt, bí, thịt nạc,… Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm tươi sống, không nên dùng các sản phẩm chế biến sẵn.

4. Không nên: Sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo

Mặc dù chưa có bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh lupus và các chất tạo ngọt nhân tạo, nhưng người bệnh lupus ban đỏ cũng nên tránh xa các loại phụ gia này.

5. Nên: Ăn các thực phẩm toàn phần (ít hoặc không qua chế biến)

Thực phẩm toàn phần là những thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến một cách ít nhất. Thông thường, những thực phẩm này không có thêm những thành phần khác như muối, đường, chất béo, chất tạo màu, chất bảo quản,… Người bệnh nên ăn những thức ăn ở dạng này. Chú ý ăn nhiều rau xanh, trái cây và nếu nguồn gốc được đảm bảo là sạch thì có thể ăn sống (không nấu chín) để có hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng cao nhất.

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây.jpg

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây

6. Không nên: Ăn các loại carbohydrate tinh chế

Carbohydrate có trong trái cây, rau củ, đậu, các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Carbohydrate tinh chế chỉ những thực phẩm giàu carbohydrate đã thông qua nhiều mức chế biến làm sạch, đã mất tối đa các chất kèm theo carbohydrate trong thực phẩm. Mức tinh chế càng cao, lượng mất các thành phần cấu tạo càng lớn, chất xơ bị loại trừ càng nhiều, hàm lượng carbohydrate càng tăng và thực phẩm trở nên dễ tiêu hơn. Carbohydrate tinh chế là nguyên nhân chính trong vấn đề gây béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ và cholesterol ở người nhiều tuổi, người già ít lao động chân tay. Carbohydrate tinh chế có thể khiến các triệu chứng của bệnh lupus khó chịu hơn. Một số nguồn carbohydrate tinh chế mà bệnh nhân lupus nên hạn chế là: bánh mì trắng, bánh ngọt, nước ngọt và đặc biệt là các loại đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn.

7. Nên: Ăn cá

Cá là một loại thức ăn giàu protein tốt cho sức khỏe, lại giàu acid béo omega 3 tốt cho bệnh nhân lupus. Người bệnh có thể ăn cá để bổ sung protein thay cho các loại thịt đỏ không tốt cho sức khỏe, nhưng cần lưu ý chọn cá tươi sống, hạn chế muối và gia vị khác khi chế biến.

8. Không nên: Ăn các loại thịt đỏ

Thịt đỏ có thể khiến các triệu chứng viêm ở bệnh nhân lupus nặng hơn, đồng thời nó cũng chứa chất béo bão hòa không tốt cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế thịt đỏ trong chế độ ăn.

9. Nên: Uống đủ nước

Người bệnh lupus nên uống đủ nước với lượng 1,5-2 lít/ngày. Nước có thể giúp thanh thải độc tố ra khỏi cơ thể và giúp hệ tiêu hóa của bệnh nhân hoạt động tốt hơn.

10. Không nên: Uống nước có ga

Bệnh nhân lupus nên tránh xa các loại đồ uống có tính acid, nhiều đường và hóa chất. Các loại nước có ga có thể gây ra các triệu chứng viêm và khiến bệnh nhân lupus bị đầy hơi.