Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng người mắc. Vậy bệnh lupus ban đỏ có lây không? Lupus ban đỏ có di truyền không? Điều trị lupus ban đỏ như thế nào? Đây là những thắc mắc nhận được nhiều lượt tìm kiếm. Nếu cũng đang tìm câu trả lời cho các vấn đề trên, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!
Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn mạn tính. Cơ chế hoạt động của lupus ban đỏ là do hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh.
Lupus ban đỏ có 2 dạng: Lupus ban đỏ dạng thông thường (có tổn thương da và không ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể) và nguy hiểm hơn là lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Cụ thể, lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng thường tấn công da, khớp, tim, phổi, tế bào máu, thận và não của người bệnh.
Các triệu chứng lupus ban đỏ thường tương tự dấu hiệu của một số bệnh khác nên còn được ví như “người bắt chước vĩ đại”, rất dễ gây nhầm lẫn và chẩn đoán sai. Những biểu hiện ban đầu thường bao gồm: Sốt, mệt mỏi, đau khớp, đau cơ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể phát triển các triệu chứng như: Loét da; Phát ban hình cánh bướm trên mặt; Thiếu máu; Những vấn đề về tim, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim và viêm nội tâm mạc; Viêm phổi; Những vấn đề về thận, bao gồm: Nước tiểu có máu hoặc protein niệu (protein trong nước tiểu); động kinh,…
Lupus ban đỏ có lây không?
Nhiều người thắc mắc rằng: Liệu lupus ban đỏ có lây không? Qua nghiên cứu, lupus ban đỏ không truyền nhiễm. Bạn không bị lây bệnh từ người mắc - ngay cả khi tiếp xúc rất gần hoặc quan hệ tình dục với họ.
Lupus không lây khi tiếp xúc
Các chuyên gia cũng phân tích rằng, bệnh tự miễn này hình thành do sự kết hợp của gen và môi trường. Cụ thể, hệ thống miễn dịch có tác dụng bảo vệ cơ thể, giúp chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus. Khi phát hiện sự xâm nhập bất thường, tế bào này sẽ kết hợp với các protein tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, quá trình này của người bị lupus ban đỏ có sự nhầm lẫn, kháng thể lại tấn công chính các mô khác của cơ thể, chẳng hạn như da, khớp hoặc tim,... dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, khiến các cơ quan này bị tổn thương nghiêm trọng. Những yếu tố có thể tác động và dẫn đến quá trình nhầm lẫn này bao gồm:
- Yếu tố gen: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 50 mẫu gen có liên quan đến tình trạng này. Mặc dù hầu hết chúng không trực tiếp gây ra lupus ban đỏ nhưng có thể khiến bạn dễ bị bệnh hơn những người không mang gen nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác.
- Các yếu tố từ môi trường: Điều này bao gồm: Tia cực tím từ mặt trời (tia UV) cũng có thể thay đổi cấu trúc ADN, dẫn đến việc hình thành các kháng thể tự miễn; Virus Epstein - Barr (virus gây nhiễm trùng cấp vùng họng, miệng và có thể dẫn đến ung thư vòm họng) và tiếp xúc với một số hóa chất độc hại khác. Những yếu tố này không chỉ làm tình trạng nặng thêm mà còn có thể kích hoạt quá trình hình thành bệnh.
- Hormone: Vì lupus ban đỏ phổ biến ở phụ nữ nên nhiều nhà khoa học cũng tin rằng, nội tiết tố có thể liên quan đến căn bệnh này. Thực tế, bệnh nhân lupus là nữ thường gặp các triệu chứng tồi tệ hơn trước kỳ kinh nguyệt, khi nồng độ estrogen tăng. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa estrogen và lupus chưa được chứng minh. Cũng có một vài bằng chứng nhỏ về mối quan hệ giữa bệnh này và việc sử dụng son môi.
- Tương tác thuốc: Lupus do thuốc gây ra là tình trạng phản ứng ở những người đang điều trị các bệnh lâu dài. Tuy nhiên, triệu chứng của lupus do thuốc gây ra thường biến mất khi ngưng sử dụng. Có khoảng 400 loại thuốc có thể gây ra tình trạng này, những loại phổ biến nhất là procainamide, hydralazine, quinidine và phenytoin. Ngoài ra, một số thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, kháng sinh,... cũng là yếu tố tiềm ẩn gây lupus ban đỏ.
Điều trị lupus ban đỏ như thế nào?
Để chẩn đoán lupus ban đỏ, người mắc bệnh thường được xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA). Sau đó sẽ được kiểm tra máu và nước tiểu nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh cũng như các tổn thương ở gan, thận. Đôi khi, các chuyên gia sẽ đề nghị sinh thiết hoặc lấy mẫu mô để kết luận bệnh lupus.
Sau khi có kết quả chính xác, phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh lupus. Một số thuốc được kê đơn giúp giảm viêm và làm hạn chế phản ứng của hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây ra các triệu chứng bệnh, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve), để điều trị đau và sưng khớp.
- Thuốc có thành phần corticosteroid như prednison để giảm viêm.
- Thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine (Imuran) và methotrexate giúp giảm phản ứng của hệ miễn dịch.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh lupus, làm chậm tổn thương khớp.
- Thuốc ức chế đặc hiệu BlyS giúp ức chế tự kháng thể ở những người bị lupus.
- Thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine, chloroquine và quinacrine giúp giảm viêm.
Ngoài ra, chế độ ăn uống và rèn luyện sức khoẻ cũng là một phần quan trọng của kế hoạch điều trị lupus ban đỏ. Người bệnh nên bổ sung trái cây, rau và ngũ cốc, cũng như sữa ít béo và các nguồn protein nạc. Hãy lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều omega-3 như óc chó, cá hồi,… để giúp giảm viêm. Đồng thời, cần tuyệt đối không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc và không uống rượu, bia. Nên nghỉ ngơi hợp lý khi bệnh tái phát và tăng cường vận động để cơ thể được khỏe mạnh hơn.