Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn nguy hiểm, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nhiều người thắc mắc, bị bệnh lupus ban đỏ chữa ở đâu và làm thế nào để ngăn ngừa cũng như điều trị lupus hiệu quả? Nếu bạn đang có chung thắc mắc trên thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết sau đây.

Triệu chứng lupus ban đỏ là gì?

Theo Tổ chức Lupus của Mỹ, có khoảng 1,5 triệu người Mỹ mắc bệnh lupus ban đỏ. Những người gốc Phi, châu Á và người Mỹ bản địa có nhiều khả năng phát triển bệnh này hơn người da trắng. Theo thống kê, khoảng 90% người được chẩn đoán mắc bệnh là nữ giới. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (14 - 45 tuổi) thường bị ảnh hưởng nhất và cứ trong 250 người lại có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị lupus.

Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ khác nhau từ người này sang người khác. Một số người chỉ có vài biểu hiện, trong khi những người khác có rất nhiều. Các triệu chứng phổ biến hơn bao gồm:

- Đau khớp.

- Sốt không rõ nguyên nhân.

- Viêm khớp.

- Mệt mỏi kéo dài.

- Phát ban da.

- Sưng mắt cá chân và tích tụ chất lỏng trong cơ thể.

- Đau ở ngực khi thở sâu (viêm màng phổi).

- Phát ban hình cánh bướm trên má và mũi.

- Rụng tóc.

- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc các loại ánh sáng khác.

- Động kinh.

- Loét miệng hoặc mũi.

- Ngón tay hoặc ngón chân nhợt nhạt, tím do lạnh hoặc căng thẳng (hiện tượng Raynaud).

Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?

Nhiều người bị lupus ban đỏ thấy mệt mỏi, giảm cân và sốt. Trong khi những người khác lại có biểu hiện khi hệ thống miễn dịch tấn công một cơ quan hoặc khu vực cụ thể trong cơ thể. Nếu không được điều trị sớm, người bị lupus ban đỏ có thể xuất hiện các vấn đề sau đây:

- Da: Các vấn đề về da là một đặc điểm phổ biến của bệnh lupus ban đỏ. Một số người bị mẩn đỏ ở má và sống mũi (hình con bướm). Rụng tóc và lở miệng cũng rất phổ biến. Phát ban da thường trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Bệnh lupus gây các tổn thương trên da.jpg

Bệnh lupus gây các tổn thương trên da

- Khớp: Viêm khớp rất phổ biến ở người mắc với các biểu hiện: Đau, viêm và sưng. Tình trạng này đặc biệt rõ ràng vào buổi sáng, có thể là kéo dài trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vĩnh viễn. May mắn thay, viêm khớp trong bệnh lupus ban đỏ thường không khiến người mắc tê liệt.

- Thận: Vấn đề liên quan đến thận ở bệnh nhân lupus ban đỏ có thể đe dọa tính mạng. Những vấn đề về thận thường gặp bao gồm: Viêm thận lupus, suy thận,….

- Máu: Người mắc lupus ban đỏ có thể bị giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu (các hạt giúp đông máu). Đôi khi, thiếu máu có thể gây mệt mỏi, nhiễm trùng nghiêm trọng nếu số lượng tế bào bạch cầu thấp hoặc người bệnh dễ bị bầm tím hay chảy máu do số lượng tiểu cầu thấp. Cục máu đông là tình trạng phổ biến ở những người bị lupus ban đỏ. Các cục máu đông thường xảy ra ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu), phổi (thuyên tắc phổi) và đôi khi trong não (đột quỵ). Các cục máu đông phát triển ở bệnh nhân lupus ban đỏ có thể liên quan đến việc sản xuất kháng thể antiphospholipid (APL). Những kháng thể này là protein bất thường làm tăng xu hướng máu đóng cục.

- Não và tủy sống: May mắn thay, những vấn đề liên quan đến não khá hiếm gặp ở những người bị lupus ban đỏ. Nếu xảy ra, nó có thể gây nhầm lẫn, trầm cảm, co giật, thậm chí đột quỵ.

- Tim và phổi: Bệnh lupus ban đỏ liên quan đến tim, phổi thường là do viêm màng ngoài tim và viêm màng phổi. Khi các cấu trúc này bị viêm, bệnh nhân có thể xuất hiện biểu hiện đau ngực, nhịp tim không đều và tích tụ chất lỏng xung quanh phổi. Các van tim và phổi cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến khó thở.

Lupus ban đỏ có chữa được không?

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn mạn tính, tái phát nhiều lần trong đời. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị lupus ban đỏ khỏi hoàn toàn mà chủ yếu chỉ giúp cải thiện các triệu chứng, kéo dài thời gian ổn định bệnh và ngăn ngừa biến chứng lupus ban đỏ hiệu quả. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng! Nhiều phương pháp hiện nay giúp kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh rất tốt.

Một số lưu ý trong điều trị lupus ban đỏ

Hiện nay, chưa có cách điều trị lupus ban đỏ khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị bệnh này là kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát. Mỗi người bệnh cần được đánh giá dựa trên các tiêu chí như:

- Bệnh hoạt động như thế nào?

- Phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng?

- Hình thức điều trị nào là cần thiết?

Dựa vào mức độ của bệnh, người mắc có thể được chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên, hãy thận trọng bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Ngoài ra, bạn cần có biện pháp phòng ngừa lupus ban đỏ tái phát bằng cách:

- Mặc quần áo bảo hộ, đeo kính râm và thoa kem chống nắng khi ra nắng.

- Tránh hút thuốc lá và uống rượu.

- Thường xuyên vận động.

- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.