Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn với những tổn thương ở da, khớp, thận, tim, phổi và hệ thần kinh,... Bệnh khó chữa trị và có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc. Bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị thì việc tuân thủ một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cũng rất quan trọng, giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Hãy cùng thông tin chi tiết trong bài viết sau.
Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn phổ biến, bao gồm 2 loại là lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Hiện nay, cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ thống miễn dịch có liên quan mật thiết đến bệnh. Bình thường, vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể người mắc lupus ban đỏ cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là “vật lạ” nên tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.
Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
Di truyền: Người sống trong gia đình có tiền sử bị lupus ban đỏ thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.
Môi trường: Các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất độc hại,... cũng có thể gây bệnh lupus ban đỏ.
Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, một số thuốc ảnh hưởng đến nội tiết như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus ban đỏ nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus ban đỏ thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.
Ánh sáng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra các tổn thương ở da hoặc kích hoạt phản ứng bên trong ở những người mắc lupus ban đỏ.
Sử dụng thuốc: Lupus ban đỏ có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc như: Thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh và kháng sinh. Những người bị lupus ban đỏ do thuốc thường cải thiện triệu chứng khi họ ngừng sử dụng chúng.
Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro bao gồm:
- Giới tính: Lupus ban đỏ phổ biến hơn ở phụ nữ.
- Tuổi tác: Mặc dù lupus ban đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 – 45.
Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ
Triệu chứng của mỗi thể bệnh lupus ban đỏ là khác nhau. Lupus ban đỏ hệ thống thường gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Trong khi đó lupus ban đỏ dạng đĩa thì chỉ gây ra những tổn thương ở da, không có tổn thương nội tạng. Cụ thể:
- Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa: Gây tổn thương ngoài da, thường ảnh hưởng đến các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc trưng là phát ban hình cánh bướm trên mặt.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể tấn công bất kỳ cơ quan nào như: Da, nội tạng, tóc, cơ, khớp và hệ thống tiêu hóa. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần, bao gồm: Nổi phát ban đỏ hình cánh bướm trên mặt, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, sốt không rõ nguyên nhân, đau khớp và đau cơ mạn tính, rụng tóc, ngón tay nhợt nhạt khi lạnh (hội chứng Raynaud), thiếu máu, sưng ở tay và chân, đau, tức ngực khi hít thở sâu, mệt mỏi kéo dài, lở loét niêm mạc miệng hoặc mũi,...
Chế độ ăn giúp cải thiện bệnh lupus ban đỏ hiệu quả
Các chuyên gia cho biết, một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh lupus ban đỏ hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn cho người mắc lupus ban đỏ mà bạn nên lưu tâm:
Những thực phẩm người bị lupus ban đỏ nên ăn
Rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là hai nhóm thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn cho người bị lupus ban đỏ. Người mắc lupus ban đỏ cần tăng cường bổ sung các loại rau quả chứa nhiều vitamin (nhất là vitamin B6, C, D), khoáng chất (kẽm, canxi, sắt,...), chất xơ,... do chúng có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lupus ban đỏ.
Những khoáng chất, vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm như: Bông cải xanh, bắp cải, rau cải xanh, ớt xanh, dâu tây, cam, chuối,...
Thực phẩm giàu kali
Kali rất cần thiết và quan trọng đối với người mắc lupus ban đỏ, vì vậy bạn nên thường xuyên bổ sung những thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn hàng ngày. Các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung khoảng 4700mg kali/ngày để hỗ trợ điều trị bệnh lupus ban đỏ.
Các thực phẩm chứa nhiều kali có thể được kể đến là khoai tây, cà chua, ngũ cốc nguyên hạt, bí đỏ, măng tây, cam, chuối, mận, nho khô,...
Thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Một số loại thuốc điều trị lupus ban đỏ có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương, giảm nồng độ canxi trong cơ thể. Do đó, những người mắc lupus ban đỏ nên bổ sung thức ăn giàu canxi và vitamin D để hạn chế nguy cơ này. Ngoài ra, những thực phẩm này còn có tác dụng ngăn chặn tái phát và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy việc bổ sung các vi chất này là vô cùng cần thiết cho cơ thể.
Những thực phẩm giàu canxi và vitamin D nên ăn là sữa, sữa chua, pho mát, đậu nành, cá hồi, cá mòi, ngũ cốc, nấm,…
Ngũ cốc nguyên hạt, đậu và lúa mì
Ngũ cốc và lúa mì là nguồn chất xơ và năng lượng rất tốt cho cơ thể. Chúng giúp tăng cường hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và đóng vai trò quan trọng giúp làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở người mắc lupus ban đỏ. Những loại ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo nâu, lúa mạch, yến mạch và ngô.
Đậu và hạt chứa nhiều vitamin E, selen, protein, chất xơ. Các loại đậu, hạt người mắc lupus ban đỏ nên ăn là: Quả hạch, hạt chia, đậu nành, quả óc chó, đậu lăng,... Hãy tìm những loại đậu không ướp muối và ít natri. Đối với đậu đóng hộp, cần rửa để loại bỏ natri và các hóa chất bảo quản.
Thực phẩm giàu protein, ít béo
Những thực phẩm giàu protein, ít béo giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, do đó cải thiện triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hiệu quả. Những thực phẩm loại này nên được bổ sung vào trong thực đơn hàng ngày là: Thịt gà, cá hồi, cá ngừ,...
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng những thực phẩm này thì bạn nên lưu ý:
- Nên cố gắng hạn chế sử dụng thịt đỏ vì chúng chứa nhiều cholesterol và các chất béo bão hòa.
- Chọn loại thịt chứa nhiều nạc và ít mỡ.
- Loại bỏ da của thịt gia cầm vì đó là nơi chứa nhiều chất béo bão hòa nhất.
- Kết hợp cá vào chế độ ăn uống của bạn khoảng 3 - 4 lần/tuần.
- Các loại thịt tốt nhất là ức gà, thịt lợn nạc, cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm, cá ngừ, cá rô phi.
Acid béo omega - 3
Người bị lupus ban đỏ có nguy cơ cao mắc kèm các bệnh như huyết áp cao, tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng acid béo omega - 3 từ cá hoặc dầu cá giúp kiểm soát chỉ số triglycerid trong cơ thể, do đó tốt cho người bị huyết áp cao và tim mạch. Thực phẩm giàu acid béo omega - 3 bao gồm cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá trích, hạt chia, quả óc chó, dầu hạt cải, dầu hạt óc chó.
Những thực phẩm người bị lupus ban đỏ nên kiêng ăn
Thực phẩm nhiều chất béo
Thói quen ăn quá nhiều đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh,... có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường ở người mắc lupus ban đỏ. Vì vậy, cần loại bỏ thực phẩm chứa nhiều chất béo ra khỏi chế độ ăn cho người bị lupus ban đỏ.
Muối
Chế độ ăn quá nhiều muối làm gia tăng nguy cơ cao tăng huyết áp và các bệnh tim mạch - biến chứng thường gặp ở những người bị lupus ban đỏ. Do đó, cần cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn để tránh xảy ra các biến chứng.
Đồ uống chứa cafein
Các loại đồ uống chứa cafein như cà phê, trà, nước tăng lực, đồ uống có gas,... không tốt cho người mắc lupus ban đỏ. Bởi các thức uống này có thể làm giảm hấp thu sắt trong cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh thiếu máu ở người mắc lupus ban đỏ.
Rượu, bia
Rượu, bia là các tác nhân khiến cho tình trạng bệnh lupus ban đỏ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây biến chứng chảy máu, loét dạ dày. Chính vì vậy mà rượu, bia cũng cần được loại ra khỏi chế độ ăn của người mắc lupus ban đỏ.