Lupus ban đỏ là một trong những bệnh tự miễn nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Nhiều người thắc mắc, lupus ban đỏ là bệnh gì, nguyên nhân do đâu và điều trị ra sao cho hiệu quả? Nếu bạn đang có chung những băn khoăn trên, hãy đọc thông tin trong bài viết sau để được giải đáp chi tiết.

Lupus ban đỏ là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, xảy ra do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, hệ miễn dịch lại bị rối loạn và tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở những cơ quan trong cơ thể.

Lupus ban đỏ có 2 dạng: Lupus ban đỏ dạng thông thường (có tổn thương da và không ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể) và lupus ban đỏ hệ thống (ảnh hưởng đến da và các cơ quan khác trong cơ thể). Trong 2 loại này, lupus ban đỏ hệ thống là loại nguy hiểm hơn.

Lupus ban đỏ có các dấu hiệu nhận biết sau đây:

- Phát ban trên mặt hình cánh bướm, phát ban 2 má, vắt qua mũi

- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân

- Rụng tóc

- Phát ban trên da sau khi ra ngoài nắng

- Đau khớp

- Sưng hạch bạch huyết

- Đau đầu

- Loét miệng

- Đau ngực

Không phải tất cả người mắc lupus ban đỏ đều có các dấu hiệu trên. Tuy nhiên, nếu bạn có ít nhất 4 dấu hiệu trên đây thì lời khuyên là hãy đi khám càng nhanh càng tốt.

Nguyên nhân gây lupus ban đỏ

Hiện nay, nguyên nhân gây lupus ban đỏ chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Có khả năng lupus là kết quả của sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố môi trường.

Trong hầu hết trường hợp, người mang gen bệnh lupus có thể bị bùng phát khi bắt gặp các yếu tố kích hoạt từ môi trường. Chúng bao gồm:

- Ánh sáng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây các tổn thương da lupus hoặc kích hoạt phản ứng bên trong ở những người nhạy cảm.

- Nhiễm trùng: Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus hoặc gây tái phát ở một số người.

- Sử dụng thuốc: Lupus có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh và kháng sinh. Những người bị lupus do thuốc thường cải thiện triệu chứng khi họ ngừng dùng thuốc.

- Giới tính: Lupus phổ biến hơn ở phụ nữ.

- Tuổi tác: Mặc dù lupus ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 – 45.

Lupus ban đỏ nguy hiểm ra sao?

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 70% các trường hợp mắc bệnh. Trong SLE, bất kỳ phần nào của cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, mặc dù khoảng 80% trường hợp liên quan đến da.

Các triệu chứng của SLE bao gồm đau ngực, khó thở, đau cơ, mệt mỏi, sốt, rụng tóc, loét miệng, nhạy cảm ánh sáng, thiếu máu và phát ban da - phổ biến nhất là phát ban hình cánh bướm kéo dài qua má và sống mũi.

Các dạng lupus khác bao gồm lupus ban đỏ da, chỉ giới hạn ở da và lupus ban đỏ do thuốc, có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc theo toa, bao gồm Hydralazine và Procainamide. Các triệu chứng của bệnh lupus do thuốc tương tự như SLE, mặc dù các cơ quan chính hiếm khi bị ảnh hưởng.

Phần lớn những người bị lupus thường trải qua các đợt bùng phát, trong đó triệu chứng trở nên tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian trước khi cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn.

Biến chứng từ bệnh lupus phụ thuộc vào phần cơ thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, những người bị viêm trong não có thể bị đau đầu, các vấn đề về trí nhớ, nhầm lẫn và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng: Khoảng 40% những người bị lupus gặp biến chứng thận và đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người mắc bệnh này.

Viêm các mạch máu hoặc viêm tim cũng làm tăng nguy cơ đau tim và bệnh tim mạch cho những người bị lupus. Những người bị lupus có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với người không mắc bệnh này.

Những người bị lupus cũng dễ bị nhiễm trùng vì bệnh và phương pháp điều trị lupus có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, herpes, zona và nhiễm trùng nấm men là những bệnh phổ biến nhất.

Cách điều trị lupus ban đỏ hiệu quả

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị lupus ban đỏ khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ vào những phương pháp dưới đây, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các đợt tái phát.

Thay đổi lối sống

- Tập thể dục thường xuyên;

- Nghỉ ngơi đầy đủ;

- Chế độ ăn uống lành mạnh;

- Tránh uống rượu;

- Bỏ hút thuốc;

- Bảo vệ da bằng cách hạn chế ra ngoài, đeo kính râm, đội mũ và thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài nắng.

Sử dụng thuốc

Thuốc điều trị lupus có tác dụng ức chế miễn dịch, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, nếu có tổn thương nội tạng, người mắc lupus có thể được chỉ định sử dụng thuốc điều trị tại các cơ quan bị ảnh hưởng như thuốc điều trị suy thận, đau xương khớp, thuốc chống thiếu máu,…