Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng nếu không được điều trị sớm. Hiện nay, việc điều trị lupus ban đỏ bằng thuốc steroid rất phổ biến và đạt được hiệu quả tích cực. Hãy tìm hiểu về công dụng cũng như tác dụng phụ của các loại thuốc này trong bài viết sau đây.
Steroid là thuốc gì?
Steroid là nhóm thuốc bao gồm: Prednison, hydrocortisone, methylprednisolone, dexamethasone, triamcinolone IM, IV methylprednisolone và các thuốc bôi tại chỗ.
Steroid là một loại hợp chất hữu cơ khá phổ biến. Một trong những steroid này-cortisone là họ hàng gần của cortisol, mà tuyến thượng thận tạo ra như một loại hormone chống viêm tự nhiên. Thuốc cortisone tổng hợp là phương pháp điều trị hiệu quả nhất giúp giảm sưng, tấy đỏ, đau liên quan đến tình trạng viêm do lupus. Cortisone thường hoạt động nhanh chóng để làm giảm các triệu chứng lupus ban đỏ.
Tại sao steroid được dùng để điều trị lupus ban đỏ?
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các vấn đề như chấn thương, nhiễm trùng và sự hiện diện của các chất lạ. Tuy nhiên, khi bị bệnh lupus, hệ thống miễn dịch không hoạt động đúng và phản ứng viêm có tác dụng làm hỏng các mô của cơ thể, từ đó gây cứng khớp, sưng, tấy đỏ và đau ở những bộ phận khác. Steroid giúp làm chậm và ngăn chặn quá trình viêm. Những steroid này cũng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch bằng cách tác động đến chức năng của các tế bào trong máu gọi là tế bào bạch cầu. Từ việc giảm viêm và đáp ứng miễn dịch, steroid giúp ngăn ngừa tổn thương các mô trong cơ thể.
Những loại thuốc steroid giúp điều trị lupus ban đỏ
Prednison là steroid được kê toa phổ biến nhất cho người bệnh lupus. Nó thường được dùng dưới dạng viên nén với liều 1, 5, 10 hoặc 20mg. Thuốc có thể được sử dụng thường xuyên 4 lần/ngày hoặc không thường xuyên 1 lần/ngày tùy vào mức độ bệnh. Thông thường, một liều thấp của thuốc là khoảng 7,5mg/ngày hoặc ít hơn; Liều trung bình là từ 7,5 – 30mg/ngày và liều cao là >30mg/ngày. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc tương tự prednison là prednisolone, đặc biệt nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì về gan.
Đôi khi, các đợt bùng phát lupus có thể được điều trị bằng cách tiêm trong cơ bắp với loại thuốc là triamcinolone. Việc tiêm này phải được chỉ định của bác sĩ và chúng thường làm giảm triệu chứng mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
Steroid cũng có thể được tiêm tĩnh mạch (IV) dưới dạng methylprednisolone và bác sĩ của bạn có thể kê toa liều cao hơn methylprednisolone (1000 mg) trong thời gian 3 - 5 ngày.
Các dạng khác của thuốc steroid thường dùng cho bệnh lupus là hydrocortisone, methylprednisolone và thuốc dexamethasone. Những loại thuốc này khác nhau về hiệu lực. Ví dụ, hydrocortison yếu hơn so với prednison, methylprednisolone mạnh hơn và dexamethasone rất mạnh. Thuốc mỡ có chứa steroid cũng thường được kê đơn cho người bệnh lupus.
Tác dụng phụ của thuốc steroid điều trị lupus ban đỏ
Thuốc steroid có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt khi dùng liều cao trong thời gian dài. Vì lý do này, thuốc steroid thường chỉ được kê đơn sau khi các loại thuốc khác không thể kiểm soát bệnh lupus. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để xác định liều steroid thấp nhất mà vẫn kiểm soát các triệu chứng lupus trong thời gian ngắn nhất. Steroid đôi khi được kết hợp với các loại thuốc khác để giúp giảm một số tác dụng phụ.
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng các thuốc steroid là:
- Thay đổi về ngoại hình
+ Mụn trứng cá;
+ Phù mặt nhưng chân, tay lại teo nhỏ;
+ Tăng cân do thèm ăn;
+ Làm mỏng da, khiến da dễ bầm tím;
+ Tăng sinh lông trên mặt.
- Ảnh hưởng tâm lý: Cáu gắt; Kích động, rối loạn tâm thần; Mất ngủ; Trầm cảm.
- Tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng;
- Kích ứng dạ dày, loét dạ dày;
- Kinh nguyệt không đều;
- Thiếu kali;
- Tăng nặng các bệnh từ trước như: Bệnh tiểu đường, tăng nhãn áp, huyết áp cao;
- Có thể gây tăng triglycerid và cholesterol;
- Kìm hãm sự phát triển ở trẻ em;
- Các tác dụng phụ lâu dài, bao gồm:
+ Hoại tử vô mạch của xương (chết mô xương do thiếu nguồn cung cấp máu): Thường xảy ra khi dùng thuốc steroid trong gian dài. Bệnh gây đau, bao gồm cả đau vào ban đêm. Muốn giảm đau, người bệnh thường phải sinh thiết xương hoặc thay thế khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở hông, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến vai, đầu gối và các khớp khác.
+ Gây loãng xương, có thể dẫn đến gãy xương, đặc biệt là gãy xương đốt sống và đau lưng dữ dội.
+ Đục thủy tinh thể.
+ Gây bệnh tăng nhãn áp.
+ Yếu cơ.
+ Xơ vữa động mạch sớm.
+ Gây biến chứng khi mang thai: Thuốc làm tăng các biến chứng khi mang thai và khi sinh như tiền sản giật.