Bệnh lupus có triệu chứng rất đa dạng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, những tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị cũng khiến nhiều bệnh nhân khó chịu. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh cũng như tác dụng phụ của các thuốc điều trị.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng để đẩy lùi các triệu chứng bệnh lupus

Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ, cùng với đó là các biện pháp dinh dưỡng mà người bệnh có thể áp dụng để giảm triệu chứng và biến chứng của bệnh lupus.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến ở nhiều bệnh nhân lupus. Một chế độ ăn cân bằng, kết hợp nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp duy trì năng lượng cho cơ thể người bệnh. Người bệnh cũng nên tránh ăn quá no, mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ (có thể là 5 bữa) trong ngày. Ngoài ra, nên ăn đủ lượng thịt nạc cần thiết để cung cấp đủ protein cho cơ thể, hạn chế chất béo; hạn chế uống các chất kích thích như cà phê, các loại nước có ga; hạn chế các thức ăn nhiều đường.

Loét miệng

Loét miệng cũng là một triệu chứng phổ biến khi bệnh lupus hoạt động. Nếu bị loét miệng, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm có tính acid, cay, mặn, các thực phẩm thô ráp dễ gây cọ xát trong miệng. Nên chọn các thức ăn nhạt, mềm, dễ nuốt; nấu mềm các loại thực phẩm cứng, khô; có thể chế biến thành các món súp, canh để dễ nuốt hơn.

Buồn nôn

Nhiều bệnh nhân bị lupus có triệu chứng buồn nôn. Các thuốc hóa trị liệu để ức chế miễn dịch cũng gây tác dụng phụ là buồn nôn. Với triệu chứng này, người bệnh có thể sử dụng gừng: thêm gừng vào các món ăn, uống trà gừng, dịch chiết gừng, ngậm 1 lát gừng,… Ngoài tác dụng giảm buồn nôn, gừng còn có tác dụng điều trị rối loạn dạ dày – ruột, tiêu chảy, viêm khớp, giúp giảm viêm.

Chia nhỏ bữa ăn; hạn chế chất béo, tăng cường chất xơ; kết hợp các thức ăn mặn, ngọt cũng là những biện pháp tốt giúp giảm cảm giác buồn nôn.

Ảnh hưởng trên thận

Thận là một cơ quan thường bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus. Để hạn chế các biến chứng trên thận, bệnh nhân nên hạn chế lượng muối ăn vào (nên ăn nhạt), ăn vừa đủ protein, hạn chế các thức ăn giàu kali (chuối, cam, sữa, pho mát,…),… Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về những thực phẩm nên ăn và nên tránh để kiểm soát biến chứng trên thận.

Loãng xương

Cả bệnh lupus và các thuốc điều trị đều làm tăng nguy cơ loãng xương. Để hạn chế loãng xương, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi: sữa, pho mát (nhưng với lượng vừa đủ, để tránh biến chứng trên thận), rau màu xanh như bông cải xanh,… Bệnh nhân có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi bằng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Bổ sung vitamin D cũng rất cần thiết để duy trì mật độ canxi trong xương. Bệnh nhân lupus thường phải tránh ánh nắng, nên cơ thể không tổng hợp được vitamin D, vì vậy, bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D hàng ngày.

Đau cơ khớp và nguy cơ loãng xương có thể khiến bệnh nhân ngại vận động. Nhưng các bài tập thể dục lại là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe của gân, cơ, xương. Người bệnh có thể tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe,… để giúp giữ được sức khỏe cơ khớp mà không cảm thấy quá mệt mỏi.

Biến chứng tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị bệnh lupus. Các biện pháp ở trên cũng đã đồng thời giữ cho trái tim khỏe mạnh.

Hãy áp dụng ngay những biện pháp này để có thể sống tốt với bệnh lupus!