Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và có thể dẫn đến tử vong. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân lupus nhập viện do nhiễm trùng nghiêm trọng đang gia tăng.

Lupus ban đỏ hệ thống dễ dẫn đến nhiễm trùng

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn dịch trong đó, hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến phản ứng quá mức và tấn công các khớp, cơ quan khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh nhân thường được kê thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm triệu chứng bệnh, nhưng điều này lại có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng vì hệ thống miễn dịch của họ đang bị suy yếu và không thể chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn.

Nhiễm trùng nghiêm trọng là một mối đe dọa lớn đối với bệnh nhân lupus ban đỏ vì nó làm tăng nguy cơ tử vong và chiếm tỷ lệ 17-37% số ca nhập viện, chiếm tới 1/3 số ca tử vong ở những bệnh nhân này. Những nhiễm trùng thường gặp ở bệnh nhân lupus là viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng da.

Trong một nghiên cứu lớn ở châu Âu với đối tượng là 1000 bệnh nhân lupus, có tới 25% ca tử vong là do bệnh nhiễm trùng và 26,5% là do sự hoạt động của bệnh lupus.

Để hạn chế các bệnh nhiễm trùng, bệnh nhân lupus cần chú ý một số biện pháp sau:

- Tiêm vắc xin ngừa cúm hàng năm.

- Tiêm vắc xin phế cầu.

- Xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung (sàng lọc tiền ung thư và ung thư cổ tử cung).

- Xét nghiệm test da bệnh nhân lao trước khi dùng thuốc ức chế miễn dịch.

- Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán viêm gan B, C.

- Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán HIV.

Bên cạnh việc kiểm tra, tiêm ngừa và xét nghiệm các bệnh trên thì bệnh nhân cũng cần chú ý những biện pháp sau để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng:

- Rửa tay sau khi chạm vào đồ vật bẩn và trước khi nấu ăn và ăn uống.

- Xử lý vết thương ngay sau khi bị, tránh để bị nhiễm trùng.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thường xuyên.

- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.

- Thực hiện một chế độ ăn cân bằng và bổ dưỡng.

- Kiểm tra nhiệt độ cơ thể hàng ngày để phát hiện sớm dấu hiệu của nhiễm trùng, đó là triệu chứng sốt. Sốt nhẹ mạn tính thường gặp ở bệnh nhân lupus, nên việc đo thân nhiệt hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân xác định xem nhiệt độ nào là nhiệt độ bình thường của cơ thể và khi nào thì nên đi khám bác sĩ.

Các triệu chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng có thể gần tương tự với các triệu chứng của bệnh lupus, nên đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm, dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị và làm tăng nguy cơ gặp biến chứng.