Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ của bệnh nhân, nhiều người khi mắc bệnh lo lắng không rõ mình còn sống được bao lâu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị, để giải đáp thắc mắc, bạn hãy đọc bài viết dưới đây!

Mắc bệnh lupus ban đỏ có thể sống thêm được bao lâu?

Theo Trung tâm Lupus của Mỹ, khoảng 80 – 90% người bệnh lupus sống được đến tuổi thọ trung bình nếu được điều trị tích cực.

Bệnh lupus ban đỏ có thể gây tử vong, nhưng tỉ lệ này thường gặp ở những bệnh nhân không điều trị, hoặc khi gặp biến chứng ở các cơ quan như tim, thận, máu mới tham gia điều trị.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng tuổi thọ của bệnh nhân lupus ban đỏ bao gồm:

- Giới tính: Tỉ lệ nam giới mắc lupus ban đỏ thấp hơn nhiều so với nữ giới, nhưng lại có xu hướng tiên lượng bệnh nặng hơn.

Nghiên cứu cho thấy rằng, đàn ông có nhiều khả năng bị tổn thương thận và các biến chứng khác từ giai đoạn sớm cao hơn so với phụ nữ.

- Tuổi: Những người mắc lupus ban đỏ trước năm 16 tuổi, có nguy cơ biến chứng trên thận và thần kinh cao hơn so với những người phát bệnh sau độ tuổi đó. Mặc dù vậy, những người mắc bệnh sau năm 50 tuổi thì tiên lượng bệnh thường rất nặng.

- Chủng tộc: người gốc Tây Ban Nha, châu Á, châu Phi mắc lupus ban đỏ cao hơn và có tiên lượng xấu hơn người da trắng. Điều này có thể là do di truyền hoặc do các yếu tố kinh tế xã hội khiến người bệnh không được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Các biện pháp làm tăng tuổi thọ của người bệnh lupus

Hầu hết những người bệnh lupus có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, khi bệnh bùng phát hoặc gặp các biến chứng thì họ sẽ gặp khó khăn hơn trong các hoạt động thường ngày.

Bạn có thể giúp ngăn chặn bùng phát bệnh lupus ban đỏ và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng kéo dài tuổi thọ bằng những cách sau:

- Thường xuyên đi gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe

- Nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là khi có dấu hiệu mệt mỏi

- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

- Tập thể dục thường xuyên

- Giảm căng thẳng thần kinh và giữ một tâm trạng thoải mái

- Có một chế độ ăn nhiều cá, dầu cá, bổ sung vitamin D và acid omega – 3,…

- Có thể phối hợp các biện pháp như yoga, thiền, châm cứu,…