Bị bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu là thắc mắc của nhiều người. Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn nguy hiểm và khó điều trị. Nếu như không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng trên khắp các hệ cơ quan, đe dọa đến tính mạng. Hãy cùng thông tin trong bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về lupus ban đỏ và giải đáp những băn khoăn trên, bạn nhé!
Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn. Hầu hết bệnh nhân lupus ban đỏ là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phổ biến hơn ở người da màu. Chỉ có khoảng 15% trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ trước 18 tuổi.
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ thống miễn dịch có liên quan mật thiết đến bệnh. Bình thường, vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể người mắc lupus ban đỏ cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là “vật lạ” nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.
Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
Di truyền: Người sống trong gia đình có tiền sử bị lupus ban đỏ thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.
Môi trường: Các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất độc hại, ánh nắng mặt trời cũng có thể gây bệnh lupus ban đỏ.
Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, một số thuốc ảnh hưởng đến nội tiết như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus ban đỏ nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus ban đỏ thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.
Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ
Triệu chứng của lupus ban đỏ khác nhau tùy theo từng người, thường gây nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Hầu hết mọi người bị lupus ban đỏ đều bị đau khớp và sưng tại một số thời điểm, thường gặp nhất ở khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay và đầu gối. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Đau ngực khi hít thở sâu.
- Mệt mỏi.
- Sốt không rõ nguyên nhân.
- Khó chịu, không thoải mái hoặc cảm giác ốm yếu.
- Rụng tóc.
- Giảm cân.
- Loét miệng.
- Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
- Hạch bạch huyết sưng to.
- Phát ban trên da: Một thống kê cho thấy, triệu chứng phát ban hình bướm gặp ở khoảng một nửa số người bị lupus ban đỏ. Chủ yếu được nhìn thấy trên má và sống mũi. Những nốt phát ban trên da sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Người bị bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Lupus ban đỏ là bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, nhờ vào tiến bộ khoa học, trên 95% bệnh nhân lupus ban đỏ đã sống thêm được ít nhất 10 năm. Thậm chí nhiều người có thể quay lại cuộc sống như người bình thường.
Một nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ sống sót ở những bệnh nhân lupus ban đỏ ở Hoa Kỳ, Canada và châu Âu là khoảng 95% trong 5 năm, 90% trong 10 năm và 78% ở 20 năm. Trước đây, nguyên nhân chính gây tử vong cho người bị lupus ban đỏ là tình trạng suy thận - một biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị tích cực như hiện nay thì tình trạng này giảm xuống rất nhiều. Từ đó, tuổi thọ của người bệnh cũng được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, những yếu tố dưới đây giúp tăng tuổi thọ cho người mắc lupus ban đỏ như:
- Phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu.
- Được hỗ trợ điều trị tích cực với các loại thuốc mới, hiệu quả cao.
- Tích cực điều trị các bệnh liên quan như tăng huyết áp, nhiễm trùng, suy thận,... bên cạnh việc điều trị lupus ban đỏ.