Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn thường gặp và có triệu chứng đa dạng nhất. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh nhưng các chuyên gia cho rằng một chế độ dinh dưỡng tốt và sinh hoạt hợp lý có thể hỗ trợ điều trị lupus ban đỏ hiệu quả. Vậy người bị lupus ban đỏ cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ thống miễn dịch có liên quan mật thiết đến bệnh. Bình thường, vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể người mắc lupus ban đỏ cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là “vật lạ” nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Di truyền: Người sống trong gia đình có tiền sử bị lupus ban đỏ thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.

Môi trường: Các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất độc hại, ánh nắng mặt trời cũng có thể gây bệnh lupus ban đỏ.

Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, một số thuốc ảnh hưởng đến nội tiết như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus ban đỏ nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus ban đỏ thực sự.

Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến mọi người với các triệu chứng khác nhau. Một số người chỉ có vài triệu chứng nhẹ nhưng những người khác lại có triệu chứng nặng hơn. Điều đặc biệt là các triệu chứng thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành với các đợt bùng phát, sau đó sẽ thuyên giảm. Đó là lý do giải thích tại sao các triệu chứng ban đầu rất dễ bị bỏ qua, khiến bệnh thường tiến triển nặng hơn.

Các triệu chứng điển hình của lupus ban đỏ là:

- Phát ban: Bạn có thể bị phát ban ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời điển hình như mặt, cánh tay và bàn tay. Một dấu hiệu phổ biến, đặc trưng của bệnh lupus ban đỏ là phát ban màu đỏ, hình cánh bướm trên mũi và má.

- Đau cơ và khớp: Bạn có thể cảm thấy đau, sưng, cứng khớp. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết những người bị lupus ban đỏ. Các vị trí thường bị đau và sưng bao gồm: Cổ, đùi, vai và cánh tay trên.

- Sốt: Sốt cao ảnh hưởng đến nhiều người mắc lupus ban đỏ. Tình trạng này thường do viêm hoặc nhiễm trùng.

- Đau ngực: Lupus ban đỏ có thể kích hoạt viêm trong niêm mạc phổi. Điều này gây ra tình trạng đau ngực khi thở sâu.

- Rụng tóc: Các đốm loang lổ trên da đầu hoặc hói rất phổ biến ở những người mắc lupus ban đỏ. Ngoài ra, người mắc cũng có thể rụng tóc do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc nhiễm trùng.

- Nhạy cảm với ánh sáng: Hầu hết người bị lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh sáng. Tiếp xúc với ánh sáng có thể gây phát ban, sốt, mệt mỏi hoặc đau khớp ở một số người mắc lupus ban đỏ.

- Vấn đề về thận: 1/2 số người bị lupus ban đỏ có vấn đề về thận là viêm thận lupus. Triệu chứng bao gồm tăng cân, sưng mắt cá chân, huyết áp cao và có thể dẫn đến suy thận.

- Loét miệng: Những vết loét này thường xuất hiện trên vòm miệng nhưng cũng có thể xuất hiện ở nướu, bên trong má và trên môi.

- Mệt mỏi: Người mắc lupus ban đỏ thường cảm thấy mệt mỏi hoặc thậm chí là kiệt sức ngay cả khi đã ngủ đủ giấc. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một đợt bùng phát lupus ban đỏ mới.

- Suy giảm trí nhớ.

- Xuất hiện cục máu đông: Bạn có thể có nguy cơ đông máu cao hơn khi bị lupus ban đỏ. Điều này có thể gây ra cục máu đông ở chân, phổi, đột quỵ, đau tim hoặc sảy thai nhiều lần.

- Bệnh về mắt: Bạn có thể bị khô mắt, viêm mắt và phát ban ở mí mắt khi mắc lupus ban đỏ.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị lupus ban đỏ

Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh lupus ban đỏ. Người mắc nếu như có một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm viêm và cải thiện các triệu chứng của bệnh.

AE-0510-13.jpg

Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện lupus ban đỏ

Người mắc lupus ban đỏ nên ăn gì?

Người mắc lupus ban đỏ nên bổ sung ngay những thực phẩm sau đây vào chế độ ăn hàng ngày:

Rau xanh và trái cây

Người mắc lupus ban đỏ nên bổ sung các loại rau quả, trái cây giàu chất chống oxy hóa và có tính chất kháng viêm như: Bông cải xanh, súp lơ và mầm Brussels, quả bơ, nấm, cà rốt, củ cải đỏ,...

Thực phẩm giàu canxi và vitamin D

Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D rất cần thiết cho người mắc lupus ban đỏ, chúng giúp ngăn chặn sự phát triển và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Hơn nữa, những người mắc lupus ban đỏ thường sử dụng một số loại thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương nên cần bổ sung vitamin D và canxi để phòng ngừa tình trạng này. Các loại thực phẩm điển hình như: Sữa, pho mát, sữa chua, bông cải xanh, đậu xanh,...

Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì

Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì chứa một lượng chất xơ dồi dào giúp tăng cường hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và có ý nghĩa quan trọng giúp làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở người mắc lupus ban đỏ.

Thực phẩm giàu protein, ít béo

Các loại thực phẩm giàu protein, ít chất béo như: Thịt gà, cá hồi, cá ngừ,... vừa tốt cho sức khỏe toàn trạng vừa giúp tăng cường chức năng tim mạch, giảm nguy cơ biến chứng ở người bệnh lupus ban đỏ.

Thực phẩm chứa nhiều omega - 3

Thực phẩm chứa axit béo omega - 3 có tác dụng chống viêm rất tốt như: Cá hồi, cá mòi, cá thu, các loại hạt, dầu hạt cải, dầu oliu,...

Uống nhiều nước

Người mắc lupus ban đỏ nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, đào thải chất cặn bã ra ngoài. Nước cũng cung cấp và duy trì độ ẩm cho da. Bạn nên uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.

Người mắc lupus ban đỏ kiêng ăn gì?

Ngoài chế độ ăn nên bổ sung kể trên, người mắc lupus ban đỏ cũng nên kiêng ăn những thực phẩm sau:

Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa

Ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, bơ, đồ ăn nhanh,... có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường ở người mắc lupus ban đỏ. Ngoài ra, còn làm tăng nồng độ cholesterol và trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm. Vì vậy, người mắc lupus ban đỏ cần bỏ thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

Đồ uống chứa caffein

Các loại thực phẩm chứa caffein như cà phê, trà, đồ uống có gas, nước tăng lực,... không tốt cho người mắc lupus ban đỏ nên cần hạn chế tiêu thụ. Nguyên nhân là do thức uống này làm giảm hấp thu sắt trong cơ thể vì thế làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh thiếu máu ở người mắc lupus ban đỏ.

Muối

Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch - những biến chứng thường gặp ở người mắc lupus ban đỏ. Do đó, cần cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày để tránh nguy cơ gây biến chứng.

Rượu

Người mắc lupus ban đỏ cần kiêng uống rượu, bia vì đây là tác nhân khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là có thể gây biến chứng chảy máu hoặc loét dạ dày.