Muốn kiểm soát bệnh lupus ban đỏ thì ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, người bệnh còn cần có một chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế những thực phẩm sau.

Những thực phẩm nên tránh khi mắc lupus ban đỏ là gì?

Một số loại thực phẩm có trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày ảnh hướng xấu đến các bệnh lý tự miễn, trong đó có lupus ban đỏ:

1, Gluten

Gluten là một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và hầu hết các loại tinh bột khác. Việc dung nạp gluten là khó khăn, điều này có thể gây ra hội chứng rò rỉ ruột, viêm và từ đó dẫn đến làm bùng phát bệnh lupus ban đỏ.

2, Chất béo no

Những chất béo no được tìm thấy trong mỡ động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên và thực phẩm chế biến sẵn. Chất béo no là một trong những nguyên nhân làm tăng phản ứng viêm tự nhiên trong cơ thể đồng thời ở một số người bệnh lupus quá trình chuyển hóa chất béo no gặp khó khăn do có những tổn thương ở gan, thận,… Vì vậy hạn chế thực phẩm chứa chất béo no cũng là cách kiểm soát bệnh lupus ban đỏ.

3, Đường

Đường ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, trực tiếp ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, ăn quá nhiều đường còn làm tăng nhạy cảm của thụ thể cảm giác dẫn đến khả năng chịu đau giảm.

4, Thức ăn giàu natri 

Biến chứng điển hình của bệnh lupus ban đỏ là biến chứng ở thận, có thể gây suy thận. Vì vậy tốt nhất là hạn chế thực phẩm chứa nhiều natri.  Nồng độ natri thấp sẽ hạn chế việc giữ nước tránh làm trầm trọng thêm phản ứng viêm và giảm nguy cơ mất cân bằng điện giải.

5, Rượu và cà phê 

Rượu và cà phê là những chất kích thích làm tăng sự lo lắng, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, gây tổn hại gan, giảm ngưỡng chịu đau, và gây mất nước ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh lupus ban đỏ.

6, Một số cây họ đậu

Một số loài cây được khuyến cáo là không nên ăn khi mắc lupus ban đỏ như cỏ linh lăng và mầm của các loài đậu xanh, đậu phộng, đậu nành,… Trong đậu có chứa acid amin L-canavanine đã được chứng minh gây bùng phát bệnh lupus ban đỏ ở một số bệnh nhân. . 

Cuối cùng là hạn chế hút thuốc lá, thuốc lá gây ảnh hướng đến phổi, làm tăng tổn thương ở phổi, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của phản ứng viêm.