Hút thuốc lá là thói quen có hại cho sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là nam giới. Mặc dù tỉ lệ mắc lupus ở nam giới chỉ chiếm 10%, tuy nhiên trong số những người nam giới mắc bệnh thì tỉ lệ hút thuốc lá là rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay cũng có nhiều phụ nữ hút thuốc lá và tỷ lệ chị em phải hút thuốc thụ động từ chồng, anh em, bố và những người khác ở nơi công cộng là rất cao. Ai cũng biết thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng với đối tượng là bệnh nhân lupus thì tác động của nó có gì khác? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Tác hại của thuốc lá đối với bệnh nhân lupus
Theo các nghiên cứu, hút thuốc lá làm bệnh lupus nặng hơn, diễn biến phức tạp hơn. Dưới đây là một số liên hệ giữa thuốc lá và triệu chứng, biến chứng của bệnh lupus:
Thuốc lá và nhiễm trùng
Người bệnh lupus thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và nhiễm trùng hô hấp là nhiễm trùng phổ biến nhất. Trong khi đó, hút thuốc lá lại làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu và viêm phế quản mạn tính. Các nghiên cứu cũng cho thấy hút thuốc thụ động hoặc phơi nhiễm thường xuyên với khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Thuốc lá và biến chứng tim mạch
Những người mắc lupus thường phải điều trị lâu dài với prednisone – một thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch (như xơ vữa động mạch) sớm hơn so với người bình thường từ 20-30 năm. Đã có không ít bệnh nhân lupus dưới 30 tuổi bị đau thắt ngực. Thuốc lá lại chính là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nếu bị lupus mà lại hút thuốc, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch.
Thuốc lá và biến chứng mạch máu
Lupus có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu và sự lưu thông máu trong cơ thể. Hiện tượng Raynaud’s thường gặp ở bệnh nhân lupus với triệu chứng lưu thông máu kém ở bàn tay và bàn chân. Hút thuốc lại góp phần làm co thắt mạch máu và có thể tăng mức độ nặng của hiện tượng Raynaud’s, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngón tay, ngón chân.
Viêm mạch do lupus có thể gây hẹp các mạch máu, giảm lưu lượng máu đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Thuốc lá lại tác động gây hẹp mạch máu, làm nặng thêm các bệnh mạch máu ngoại vi.
Hút thuốc và biến chứng thận
Một nghiên cứu tại đại học Stanford trên các bệnh nhân viêm thận do lupus cho thấy những người hút thuốc có thời gian tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối nhanh hơn so với những người không hút thuốc (145 tháng ở nhóm hút thuốc so với 273 tháng ở nhóm không hút thuốc).
Thuốc lá và các vấn đề tiêu hóa
Thuốc lá có ảnh hưởng đến mọi bộ phận của hệ tiêu hóa, góp phần gây ra các rối loạn tiêu hóa phổ biến như chứng ợ nóng.
Thuốc lá và chức năng gan
Gan là nơi chuyển hóa của hầu hết các thuốc điều trị lupus. Trong khi đó, thuốc lá lại ảnh hưởng đến việc chuyển hóa thuốc tại gan, từ đó làm thay đổi nồng độ thuốc trong cơ thể bệnh nhân, có thể gây quá liều hoặc không đủ liều thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị.
Thuốc lá và vấn đề loãng xương
Khói thuốc làm chậm quá trình phát triển và phục hồi của xương. Trong khi đó, các loại thuốc được sử dụng để điều trị lupus như prednisone, thuốc chống co giật, heparin,… làm tăng nguy cơ xương gẫy và loãng xương.
Như vậy, thuốc lá có thể gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe bệnh nhân lupus. Cai thuốc lá và tránh xa khói thuốc để hạn chế phải hút thuốc gián tiếp là biện pháp bạn cần làm ngay để bảo vệ sức khỏe của chính mình.