Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Vậy, nguyên nhân nào khiến bệnh khởi phát và trầm trọng hơn?

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch thay vì tấn công các tế bào lạ, virus, vi khuẩn thì lại quay sang tấn công chính các cơ quan hoặc các tế bào của cơ thể, gây ra thiệt hại và rối loạn chức năng. Lupus được gọi là bệnh hệ thống vì nó có thể ảnh hưởng đến nhiều mô khác nhau và các cơ quan trong cơ thể. Một số bệnh nhân bị lupus có bệnh nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc đơn giản, trong khi những người khác có thể có các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến mạng sống. Lupus thường xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới và có tỷ lệ cao nhất ở độ tuổi sau dậy thì.

Khi khởi phát lupus, các triệu chứng bệnh thường rất chung chung, đôi khi làm cho chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn. Các biểu hiện ban đầu phổ biến nhất là mệt mỏi, sốt, đau cơ và khớp. Đây được gọi là "hội chứng giả cúm".

Mệt mỏi là biểu hiện bệnh phổ biến và khó chịu nhất. Nó cũng thường là triệu chứng duy nhất vẫn còn sau khi điều trị các cơn bùng phát cấp tính. Sốt khi bị lupus thường là thấp, hiếm khi vượt quá 38,9 độ C. Sốt ở bệnh nhân lupus được coi là tình trạng nhiễm trùng. Đau cơ bắp và đau khớp rất phổ biến với sự khởi đầu mới của lupus.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra lupus, bao gồm:

Liên kết di truyền

Cũng như các bệnh tự miễn khác, người mắc bệnh lupus có chung một kiểu liên kết di truyền. Anh em song sinh của người mắc bệnh lupus có nguy cơ mắc bệnh lupus gấp 3 đến 10 lần so với người không sinh đôi. Nếu người thân như cha, mẹ, anh, chị bị lupus thì người trong cùng gia đình có nguy cơ mắc bệnh lupus tăng gấp 8 lần so với người khác.

Yếu tố môi trường

Mặc dù một người song sinh có nguy cơ mắc bệnh lupus cao hơn nếu anh, chị, em ruột của họ bị lupus nhưng không phải 100% đều khởi phát lupus, xác suất này khoảng 30% - 50% hoặc ít hơn. Điều này cho thấy rằng, các yếu tố môi trường có tác động không nhỏ vào việc làm khởi phát hoặc trầm trọng hơn tình trạng lupus ban đỏ. Ngoài các trường hợp ngẫu nhiên xảy ra lupus, một số loại thuốc, chất độc và chế độ ăn uống sẽ trực tiếp tác động và gây bệnh. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tia cực tím) cũng là một tác nhân môi trường được biết đến có thể làm xấu đi tình trạng bệnh và khiến bệnh bùng phát dữ dội.

Lupus do dùng thuốc

Lịch sử ghi nhận một số loại thuốc làm bùng phát lupus ban đỏ, gồm có: Procainamide, hydralazine, minocycline, phenytoin và isoniazid. Thông thường, lupus gây ra do tiếp xúc với thuốc sẽ biến mất khi ngừng uống thuốc.

Ảnh hưởng của thai kỳ và kinh nguyệt

Nhiều phụ nữ bị lupus báo cáo rằng các triệu chứng có thể tồi tệ hơn sau khi rụng trứng và tốt hơn vào đầu kỳ kinh nguyệt. Estrogen được cho có liên quan đến việc làm cho tình trạng tồi tệ hơn và vấn đề này hiện đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phụ nữ bị lupus có thể dùng thuốc ngừa thai mà không có nguy cơ kích hoạt bệnh.

Mang thai dường như không làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân bị lupus. Tuy nhiên, lupus có xu hướng làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non. Trẻ sơ sinh ở bà mẹ bị lupus khi mang thai có thể có kháng thể SSA và phát triển các bất thường điện tim và phát ban da tạm thời (lupus neonatorum, còn được gọi là lupus sơ sinh). Vì thế, các bà mẹ mang thai bị lupus được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Các nguyên nhân trên chỉ ra rằng: Bạn có thể bị lupus ban đỏ do mang gen bệnh, các yếu tố môi trường tác động, do dùng thuốc. Hãy phát hiện các dấu hiệu của bệnh sớm để được điều trị kịp thời, đúng cách.