Lupus ban đỏ là bệnh có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Bệnh có triệu chứng phức tạp và để lại biến chứng trên khắp các cơ quan của cơ thể. Lupus ban đỏ nếu không được điều trị sớm và kịp thời có thể gây đe dọa đến tính mạng của người mắc. Mời độc giả cùng tìm hiểu các thông tin về lupus ban đỏ để phát hiện sớm, điều trị phù hợp và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn thường gặp, gồm 2 thể chính là: Lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Trong đó, lupus ban đỏ hệ thống chiếm phần lớn các trường hợp người bệnh lupus. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ nói riêng và các bệnh tự miễn nói chung là do có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, điều này làm cho hệ thống miễn dịch chống lại các cơ quan trong cơ thể. Đối tượng mắc lupus ban đỏ chủ yếu là nữ giới và độ tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi. 

Lupus-ban-do-la-mot-benh-co-lien-quan-den-he-thong-mien-dich.webp

Lupus ban đỏ là một bệnh có liên quan đến hệ thống miễn dịch

Triệu chứng bệnh lupus ban đỏ

Các triệu chứng của lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, có thể nhẹ hoặc nặng, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Triệu chứng bệnh thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa các khoảng thời gian lui bệnh.

Đối với lupus ban đỏ dạng đĩa, các triệu chứng chủ yếu xuất hiện trên da. Còn với lupus ban đỏ hệ thống, các triệu chứng xuất hiện ở hầu hết các cơ quan. Cụ thể:

  • Da: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, hầu hết các trường hợp có ban đỏ nổi bất thường trên da. Trong đó, hồng ban hình cánh bướm ở mặt là dấu hiệu đặc trưng của lupus ban đỏ. Ngoài ra, thương tổn còn xuất hiện ở cổ, bàn tay,... và người bệnh lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh sáng. 
  • Tim: Người bệnh lupus ban đỏ có dấu hiệu đau ngực, khó thở giống với viêm màng tim, cơ tim. 
  • Phổi: Các triệu chứng viêm màng phổi, viêm phổi khá phổ biến.
  • Khớp: Viêm đau các khớp, khiến người bệnh khó vận động và đi lại.
  • Máu: Hầu hết người bệnh lupus ban đỏ đều bị thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, môi tái, niêm mạc nhợt nhạt. Xét nghiệm máu thấy giảm cả hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu.
  • Thận: Viêm thận do lupus với các biểu hiện như tiểu đục, tiểu máu, tăng huyết áp, phù toàn thân.
  • Thần kinh: Một số người bệnh có biểu hiện rối loạn phương hướng, lú lẫn và mất trí nhớ.

Ngoài ra, người bệnh lupus ban đỏ còn gặp phải các triệu chứng không đặc hiệu như sút cân, chán ăn, mệt mỏi, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ là gì?

Lupus ban đỏ không chỉ do hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn mà còn có thể do một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình bị lupus ban đỏ thì có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn so với người bình thường.
  • Môi trường sống: Các tác nhân nhiễm khuẩn, ô nhiễm, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các loại hóa chất khiến da dễ bị tổn thương và tạo điều kiện cho các đợt bùng phát lupus ban đỏ.
  • Nội tiết: Bệnh gặp nhiều ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, các thuốc tránh thai và hormone cũng được ghi nhận có vai trò trong việc khởi phát bệnh hay làm bệnh nặng thêm.

Song-trong-moi-truong-o-nhiem-lam-tang-nguy-co-bi-lupus-ban-do.webp

Sống trong môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ bị lupus ban đỏ

Các biến chứng nguy hiểm của lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là bệnh có diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau thường nặng hơn đợt trước và gây tổn thương lên các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Bao gồm:

  • Tim: Viêm cơ tim, màng tim do lupus ban đỏ kéo dài sẽ dẫn tới suy tim. Một số trường hợp bị viêm cơ tim cấp dẫn tới suy tim cấp và người bệnh có thể tử vong vì trụy tim mạch.
  • Phổi: Người bệnh có thể bị biến chứng suy hô hấp cấp sau viêm phổi.
  • Thận: Lupus ban đỏ hủy hoại cầu thận bởi những phản ứng viêm cầu thận và có thể gây suy thận.
  • Máu: Lupus ban đỏ gây xuất huyết và thiếu máu. Tình trạng thiếu máu dài ngày làm giảm hoạt động của hệ tạo máu. Xuất huyết cũng làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu máu và có thể gây xuất huyết não rất nguy hiểm.
  • Thần kinh: Biến chứng rối loạn tâm thần.

Bên cạnh những biến chứng kể trên, người bệnh lupus ban đỏ còn có thể gặp phải những biến chứng khác do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Bởi khi dùng loại thuốc này, khả năng đề kháng bị suy giảm, cơ thể dễ dàng mắc nhiều loại bệnh mà không đủ sức chống cự. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết khiến họ dễ bị sốc và tử vong.

>>> Xem thêm: Những biến chứng của bệnh lupus ban đỏ

Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ

Để chẩn đoán xác định bệnh lupus ban đỏ, các chuyên gia sẽ dựa vào các biểu hiện bên ngoài da và một số xét nghiệm như:

  • Phân tích nước tiểu: Lượng protein hoặc hồng cầu tăng lên trong nước tiểu có thể là một báo hiệu cho căn bệnh lupus ban đỏ.
  • Công thức máu: Nhằm xác định các bất thường về số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
  • Xét nghiệm tốc độ lắng của hồng cầu: Xác định phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân: Người bị lupus ban đỏ thường cho kết quả dương tính với xét nghiệm này.
  • Siêu âm tim: Kiểm tra các bất thường của tim nhờ sử dụng sóng âm thanh.

Chan-doan-lupus-ban-do-nho-xet-nghiem-cong-thuc-mau.webp

Chẩn đoán lupus ban đỏ nhờ xét nghiệm công thức máu

Điều trị bệnh lupus ban đỏ

Nhiều người thắc mắc lupus ban đỏ có chữa khỏi hoàn toàn được không. Trên thực tế, đây là bệnh không thể điều trị dứt điểm và người bệnh phải sống chung cả đời với nó. Các mục tiêu chính trong điều trị lupus ban đỏ bao gồm:

  • Giảm viêm.
  • Giảm triệu chứng bệnh.
  • Ức chế hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
  • Hạn chế các đợt bùng phát và biến chứng của bệnh.

Thuốc điều trị lupus ban đỏ

Thuốc được dùng trong điều trị lupus ban đỏ chủ yếu là các thuốc giúp làm giảm các triệu chứng bệnh. Bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm phi steroid như: Naproxen, Aspirin, Ibuprofen, Nimesulide,... giúp giảm viêm, đau tại các khớp, cơ. Thuốc dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng người bệnh nên uống khi ăn no.
  • Thuốc corticoid: Có tác dụng chống viêm mạnh hơn, tuy nhiên lại mang nhiều tác dụng phụ. Do đó, nhóm thuốc này chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nặng, đã có tổn thương trên nội tạng.
  • Thuốc chống sốt rét như: Chloroquine, Hydroxychloroquine,... có tác dụng tốt với tổn thương trên da và khớp.
  • Thuốc ức chế miễn dịch như: Cyclosporine, Cyclophosphamide, Azathioprine,... có thể gây ra nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm. Do đó, nhóm thuốc này chỉ sử dụng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với corticoid đơn thuần.

Cac-thuoc-duoc-chi-dinh-trong-dieu-tri-lupus-ban-do.webp

Các thuốc được chỉ định trong điều trị lupus ban đỏ

Cải thiện bệnh lupus ban đỏ nhờ thay đổi lối sống

Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh lupus ban đỏ nên áp dụng thêm một số biện pháp sau để giảm triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển sang các biến chứng nguy hiểm:

  • Tránh ánh nắng mặt trời: Tia cực tím có khả năng làm tình trạng phát ban da của người bệnh nặng hơn, da dễ bị mẩn đỏ, tróc vẩy. Do đó, người bệnh cần hạn chế ra ngoài nắng, nếu buộc ra đường thì nên bôi kem chống nắng và đội mũ, nón, mặc áo chống nắng đầy đủ.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng giữa giờ làm và giờ nghỉ, ngủ đủ giấc.
  • Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe của bản thân như đi bộ, đạp xe, bơi, tập gym,...

Sử dụng thảo dược giúp hỗ trợ cải thiện lupus ban đỏ

Để giúp cải thiện bệnh lupus ban đỏ và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tái phát, ngày càng có nhiều người lựa chọn sử dụng các thảo dược dược quý từ thiên nhiên như sói rừng, cao nhàu, bạch thược, thổ phục linh, nhũ hương, hoàng bá,... Những thảo dược này khi phối hợp với nhau sẽ mang tới tác dụng: Ổn định, điều hòa hệ miễn dịch;  Giảm triệu chứng viêm, đau rát, ngứa ngáy, giảm tổn thương trên da. Đặc biệt, thảo dược sói rừng đã được nghiên cứu tại đại học Thẩm Dương, Trung Quốc (năm 2009) và chứng minh có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó giúp cải thiện hiệu quả tình trạng lupus ban đỏ.

>>> Xem thêm: Người bị bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu? Xem ngay!

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lupus ban đỏ

Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng lupus ban đỏ và hạn chế tái phát bệnh.

Nguoi-benh-lupus-ban-do-can-xay-dung-mot-che-do-dinh-duong-khoa-hoc.webp

Người bệnh lupus ban đỏ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học

Người bệnh lupus ban đỏ nên ăn gì?

Người bệnh lupus ban đỏ nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào trong chế độ ăn:

  • Rau củ, trái cây: Trong thành phần của rau củ quả có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E,... giúp giảm viêm.
  • Thực phẩm giàu canxi và vitamin D: Thuốc điều trị lupus làm giảm lượng canxi của cơ thể, vì vậy bổ sung các vi chất này là điều cần thiết.
  • Chất béo không bão hòa: Có chứa nguồn vitamin E dồi dào và có đặc tính chống viêm cao.
  • Ngũ cốc, các loại hạt: Đây là nguồn cung cấp chất xơ và nguồn năng lượng tốt cho cơ thể.
  • Cá và gia cầm: Nguồn thực phẩm này chứa nhiều omega-3, protein, kẽm, vitamin B,... mang nhiều lợi ích cho cơ thể.

Người bệnh lupus ban đỏ cần kiêng ăn gì?

Để không làm bệnh nặng thêm thì người bệnh lupus ban đỏ cần kiêng các thực phẩm sau:

  • Các loại đồ ăn nhanh như xúc xích, pizza, gà rán,... và các thực phẩm chế biến sẵn.
  • Các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt dê, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn,...
  • Thực phẩm chứa nhiều muối.
  • Rượu, bia, chất kích thích.

Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lupus ban đỏ. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào về lupus ban đỏ cũng như các biện pháp điều trị bệnh, vui lòng để lại bình luận hoặc số điện thoại để được giải đáp.

Link tham khảo:

https://www.nhs.uk/conditions/lupus/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lupus/symptoms-causes/syc-20365789 

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4875-lupus